Thủy điện lớn nhất Tây Nguyên mỗi năm nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng cho địa phương
Đó là Công ty Thủy điện Ialy- thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Qua 20 năm, Công ty đã khẳng định được vai trò chiến lược đa mục tiêu, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội khu vực Tây Nguyên.
- Các hồ thủy điện thiếu hụt gần 5 tỷ kWh điện
- Thủy điện lớn nhất Tây Nguyên đặt mục tiêu sản xuất 4,849 tỷ kWh điện
- Nước về hồ thủy điện Hòa Bình thấp kỷ lục: EVN vẫn đảm bảo duy trì cấp nước hạ du
Ông Đoàn Tiến Cường – Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy cho biết: Qua 20 năm thành lập, từ quản lý vận hành Thủy điện Ialy, đến nay, Công ty thực hiện quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống bậc thang sông Sê San là: Ialy, Sê san 3 và Pleikrông với tổng công suất 1.080MW, sản lượng điện bình quân theo thiết kế 5,31 tỷ kWh/năm.
20 năm qua, Công ty đã đạt được những thành tích, dấu ấn tự hào trên các phương diện, góp phần đưa Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng ngày một phát triển ổn định, bền vững.
Đến cuối năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất của 3 nhà máy do Công ty quản lý sản xuất được hơn 85 tỷ kWh điện, góp phần quan trọng cùng EVN cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước. Mỗi năm, Công ty đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cho 2 tỉnh Gia Lai và KonTum.
Đập thủy điện Ialy
Để đạt được sản lượng điện như trên là kết quả nỗ lực, phấn đấu qua từng ngày, từng tháng, từng năm của từng thành viên Công ty bởi 3 nhà máy do Công ty quản lý được đưa vào vận hành với khoảng thời gian cách xa nhau.
Thủy điện Ialy tổ máy 1 phát điện tháng 5/2000 và đến tháng 12/2001 tổ máy 4 mới phát điện. Thủy điện Sê san 3 phát điện 2 tổ máy vào các ngày 4 và tháng 7/2006. Thủy điện Pleikrông 2 tổ máy lần lượt phát điện vào tháng 5 và tháng 9/2009.
Cùng với đó, hệ thống thiết bị, công nghệ tại 3 nhà máy Ialy, Sê san 3 và Pleikrông khá phức tạp. Đa dạng về chủng loại, xuất xứ, thời điểm sản xuất nên tính đồng bộ không cao.
Thực tế vận hành nhà máy Ialy đã dẫn đến một số hỏng hóc, sự cố. Công ty đã tập trung nghiên cứu từng trường hợp để xử lý thành công đưa tổ máy vào vận hành an toàn, tin cậy, vừa chi phí thấp vừa khai thác kịp thời nguồn nước.
“Đặc biệt, Công ty vừa tiếp nhận vận hành vừa phải xử lý các khiếm khuyết, hư hỏng của thiết bị trong giai đoạn đầu vận hành các nhà máy, sớm đưa các tổ máy vào hoạt động, chủ động trong công tác sửa chữa lớn, cải tạo những hệ thống thiết bị làm việc kém tin cậy, điều tiết thủy văn liên hồ hợp lý… Có như vậy mới khai thác hiệu quả lượng nước phục vụ phát điện và đạt được sản lượng cao”, ông Đoàn Tiến Cường cho biết.
Cùng với đó, Công ty đã thực hiện tốt vai trò quản lý của nhà máy đa mục tiêu: Sản xuất điện, điều tiết thủy văn, cắt giảm lũ về mùa mưa lũ; cung cấp nước cho hạ du mùa khô. Đây là nhiệm vụ phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan do sự biến đổi về khí hậu, thời tiết, tình huống thiên tai thay đổi theo hướng bất lợi và khó lường.
Tuy nhiên, 20 năm qua, Công ty luôn đảm bảo an toàn hạ du, an toàn công trình, đặc biệt là an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Đồng thời, phục vụ đủ nước cho tưới tiêu hạ du cũng như khai thác hiệu quả nguồn nước cho phát điện.
Để làm được điều này, bên cạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai, Công ty đã tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tiết liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng từng hạng mục công trình, huy động 100% lực lượng ứng trực trong mùa mưa lũ, liên lạc và báo cáo thường xuyên với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai bão Trung ương và địa phương.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận