Bộ Công thương: Tìm giải pháp kết nối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tác động bởi Covid-19
Để tìm ra các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 500 đại biểu tham dự.
- 9 ngành kinh tế Việt Nam thiệt hại lớn nhất bởi đại dịch Covid-19
- Năm 2021: Giá vận chuyển đường biển tăng vọt khiến kinh tế toàn cầu nhiều biến động
- "Hộ chiếu vaccine" - Hướng tới mục tiêu kép trong phát triển nền kinh tế
Sáng ngày 05/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Hội nghị có sự tham dự của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ công thương; ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh... và hơn 500 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến Địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông sẽ tham gia với hình thực trực tuyến qua phần mềm Zoom và xem trên các Fanpage được livestream về hội nghị.
Các nội dung thảo luận tại Hội nghị xoay quanh các chủ đề như: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; Tác động của dịch covid đến chuỗi cung ứng; Khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; Công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; Thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; Kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội;
Tạo thuận lợi tối đa kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Cô Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, các nhà sản xuất, phân phối trên khắp cả nước đã và đangng phải gồng mình gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19.
“Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Thứ trưởng cho biết: Dịch bệnh đã lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…
Thông qua Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhà phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các Tổ chức Xúc tiến thương mại quốc tế sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất và đưa ra các giải pháp tiêu thụ đẩy mạnh xuất khẩu.
Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, kinh tế Việt Nam khá ngược chiều với kinh tế thế giới khi các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng, khác với kịch bản đã đặt ra. Trong quý III/2021, có một tín hiệu tương đối tốt, đó là chỉ số lạm phát thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phát biểu tại Hội nghị.
Thế nhưng, trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế và cần tính đến độ trễ nhất định thì lạm phát sẽ có những áp lực trong năm sau. Do đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phục thuộc vào những yếu tố chính như: kiểm soát dịch bệnh thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch và chính sách tiền tệ ra sao.
Còn theo ông Trần Duy Đông Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lưu thông là huyết mạch nên nếu không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Chính vì vậy, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc, vừa trực tiếp tham gia các Tổ công tác tiền phương, thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Từ đó, đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…
Chia sẻ về những tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả hai chiều cung cầu. Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng.
Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh như ngành dệt may, da giày do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu vào giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm tọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ, EU…Không những thế, trên thế giới, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến vận tải toàn cầu, đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng vỏ container…
Bởi vậy, theo ông Trần Thanh Hải, diễn biến phức tạp và bùng phát tại nhiều địa phương của dịch COVID-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. “Dịch COVID-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, dịch COVID-19 còn khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Thương mại điện tử sẽ là giải pháp "cứu cánh"
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Xúc tiến thương mại dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thông tin. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực, theo nhóm ngành hàng; quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…
Ông Chiến nhấn mạnh: Nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT) cho biết: trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục TMĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại…tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại-thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử, Phó Cục trưởng Cục TMĐT cho biết thêm, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục TMĐT đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.
Đưa ra con số cụ thể minh chứng về nhận định này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền thông tin, riêng trong Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã có tới trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử với gần 1 triệu đơn hàng, không kể các nền tảng xã hội khác.
“Tại chương trình này, lần đầu tiên mô hình kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đã được triển khai hết sức hiệu quả giữa BigC/Go với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada. Mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng trong thời gian qua với các hình thức kết hợp ngày càng đa dạng, linh hoạt với tình hình thức tế”. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền đánh giá.
Tham dự Hội nghị với vai trò đại diện của doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce, Tập đoàn Central Retail Việt Nam… chia sẻ, trong suốt quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt và hết sức hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành, Sở Công Thương... các tỉnh, thành phố có tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài đã nhanh chóng được kiểm soát, qua đó đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế, đưa tỉnh, thành phố về trạng thái “bình thường mới”.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh, song doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công Thương và địa phương nhằm cung ứng hàng hoá đầy đủ cho người dân trong mọi hoàn cảnh. Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam khẳng định quan điểm: “Là một doanh nghiệp FDI, nhưng tôn chỉ hoạt động của Central Retail luôn vì người Việt và hành động như một doanh nghiệp địa phương”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận