Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dân số Việt nam có cơ cấu vàng nhưng chất lượng không đạt
Với 88% dân số trong độ tuổi 25-59 Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng tuy nhiên chất lượng lao động của lao động hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế cũng như xu hướng của phát triển công nghệ hiện nay.
- Trường Đại học Phenikaa ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cao
- Vấn đề nhân sự - Một thách thức lớn đối với các Startup
- TP HCM: Phát triển AI đang đứng trước thách thức lớn về nhân sự
Theo kết quả cuộc Tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được Tổng cục Thống kê công bố sáng 19/12, Việt Nam có gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25-59 tham gia lực lượng lao động; trong đó tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất ở nhóm tuổi 25-29 (14,3%) và giảm nhẹ ở nhóm 30-34 (14,2%). Dân số ở nhóm tuổi trẻ (từ 15-24 tuổi) và nhóm tuổi già (từ 60 tuổi trở lên) đều chiếm tỷ trọng tham gia lực lượng lao động thấp (dưới 10%).
Với kết quả điều tra trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế với tỷ lệ lao động đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ thấp, chỉ đạt 23,1%.
Việt Nam có thị trường lao động rộng lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao, người lao động làm việc trong các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 11% lao động có trình độ cao; lao động phổ thông và lao động giản đơn chiếm tỷ trọng lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là thách thức của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của đất nước sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các nước trong khu vực và trên thế giới trong quá trình xác định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Để có vị thế tốt, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, đổi mới giáo dục đại học; đồng thời, cần có các chính sách gắn kết giữa đào tạo và nhà tuyển dụng; trong đó quản lý nhà nước đóng vai trò trọng tâm trong thực thi chính sách kết nối này.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 39,1%, tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2009; đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) chiếm 23,1%; trong đó khu vực thành thị cao gấp gần 2,5 lần khu vực nông thôn.
Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (31,8%), Đông Nam bộ (27,5%) và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (22,7%); thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (13,6%).
Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam ở mức thấp, 2,05%. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (tương ứng 1,64% và 2,93%).
Hầu hết người thất nghiệp có độ tuổi từ 15-54 (chiếm 91,7% người thất nghiệp); trong đó, lao động trẻ từ 15-24 tuổi là những người thất nghiệp nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (44,4%).
Theo Tổng cục Thống kê, dịch cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ này sớm đạt ngưỡng 70% như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giai đoạn 2009-2019, tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ.
Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản giảm liên tục trong những năm qua, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 46,3% năm 2014 và đạt 35,3% vào năm 2019. Lần đầu tiên, số lao động làm việc trong khu vực Dịch vụ cao hơn số lao động làm việc trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vào năm 2019.
Nhóm nghề lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế với tỷ lệ 33,2%. So với 10 năm trước đây, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh (giảm 7,1 điểm phần trăm).
Các nhóm “dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng”, “thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” và “thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” cũng là những nhóm nghề thu hút nhiều lực lượng lao động, tương ứng là 18,3%, 14,5% và 13,2% tổng số lao động đang làm việc…
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận