"Cắt tiền duyên" đã đưa Nguyễn Vĩnh Tiến đối diện với câu chuyện "lúc tỏ lúc mờ"
Mỗi bài hát của Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến khi vang lên, những nốt nhạc du dương, sâu sắc nhưng đầy giản dị như chính tác giả sẽ đi vào miền ký ức, miền mộng mơ trong sáng sẽ hiện ra trước khán giả. Từng lời hát sẽ đưa quý vị hòa vào dòng suối trong, cơn gió triền đê, hay đơn giản là thanh âm của cuộc sống gồm nhiều sắc màu.
Nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Vĩnh Tiến được tham gia đề cử nhạc sĩ của năm.
Câu chuyện về ca khúc "Cắt Tiền Duyên" đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả Việt, đó là câu chuyện có thật không chỉ đối với tác giả mà còn đồng điệu với nhiều đàn ông Việt, họ cắt tiền duyên với những mong được bình an trong tâm trí, cần phải rõ ràng dừng lại với những điều mơ hồ lúc ẩn lúc hiện, lúc tỏ lúc mờ.
Khát khao bình dị được sống thực tại với cuộc sống dương gian, để sống, làm việc phát triển và để sẵn sàng đón nhận tình yêu giữa con người với con người, yêu thương bởi những bàn tay ấm áp chứ không phải một bàn tay lạnh giá lúc đến lúc đi.
Ca khúc Cắt Tiền Duyên do chính tác giả thể hiện đầy mộc mạc nhưng tạo ra những nốt "lặng" trong tâm trí người nghe
Nguyễn Vĩnh Tiến, được nhắc tới như một trong 3 trụ cột của dòng nhạc "Dân gian đương đại" cùng với Lê Minh Sơn và Giáng Son. Năm 2005, anh là người đầu tiên nhận giải thưởng "Bài hát dân gian đương đại nổi bật" với nhạc phẩm "Giọt sương bay lên" trong chương trình "Bài Hát Việt" - VTV3.
Cũng năm đó, là sự toả sáng của "Kiềng ba chân" dân gian đương đại: Lê Minh Sơn với "À í a", Giáng Son với "Giấc Mơ Trưa" và Nguyễn Vĩnh Tiến với song phẩm "Giọt sương bay lên" và "Bà Tôi".
Xuất thân từ một kiến trúc sư, thời điểm nhận giải "Bài hát Việt", anh cũng vừa nhận tấm bằng Master xuất sắc của cao học Pháp ngữ về "Thiết kế đô thị với di sản và phát triển bền vững" và cũng từ Pháp trở về sau khi nhận học bổng của bộ văn hoá Pháp.
Trong bộ ba dân gian đương đại thì Giáng Son và Lê Minh Sơn theo âm nhạc chuyên nghiệp và cũng là những giảng viên âm nhạc tại Hà Nội. Nguyễn Vĩnh Tiến xuất hiện như một tay chơi đi lạc vào khu vườn âm nhạc mà trong đó đã có sẵn những cây đa cây đề như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, An Thuyên, Dương Thụ ...
Sau khi vào làng nhạc thì anh trở nên thân thiết hơn cả với nhạc sỹ Nguyễn Cường. Hai nhạc sỹ một già một trẻ đã có một vụ cá cược nổi tiếng thách đố nhau viết một bài hát ngược lại của "Chảy đi sông ơi" của Phó Đức Phương. Và đó chính là lý do cho sự ra đời của tác phẩm "Sông ơi đừng chảy" đã cùng NSUT Hồng Vy đoạt huy chương vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Một bất ngờ nữa dần dần được hé lộ với khán giả nghe nhạc là Nguyễn Vĩnh Tiến chính là "cha đẻ" phần ca từ của bài hát "Giấc mơ trưa" do Giáng Son viết giai điệu.
Cũng không lạ lẫm với các độc giả yêu thơ hiện đại vì từ đầu những thập niên 90, Nguyễn Vĩnh Tiến đã là trưởng nhóm thơ "Hoa Lạ", toàn những nhân vật đình đám như Đỗ Hoảng Diệu, Phạm Tường Vân, Lưu Sơn Minh, Vũ Duy Hưng, Lã Thanh Tùng...", nhóm này chủ trương cách tân thơ bằng cách tu từ và có hơi hướng siêu thực.
Những năm 2006-2007, mỗi năm anh cho ra đời một album. Nếu như "Giọt sương bay lên" gồm 7 bài dân gian đương đại và dành riêng cho tiếng hát Ngọc Khuê thì "Ngồi trên vách nắng" gồm 8 bài dân gian thính phòng đã được "chọn mặt gửi vàng" với Anh Thơ, Trọng Tấn, Tùng Dương và Sao Mai Tuấn Anh.
Kể từ 2008 đến nay, các tác phẩm nổi bật lần lượt được anh giới thiệu với công chúng cùng với các giải thưởng âm nhạc liên tiếp được trao cho anh như "Ông tôi" đã đoạt giải "Bài hát ấn tượng"; "Mẹ tôi và những thị xã vắng" đoạt giải "Bài hát sáng tạo" - VTV3.
Anh tham gia sáng tác và biên tập các album của các diva và các ngôi sao ca nhạc ở Việt nam. "A nhờ Anh" - Thanh Lam; " Tuổi Núi Đồi" - Khánh Linh; "Một hạt cơm nhỏ" - Tùng Dương; "Sông ơi đừng chảy" - Anh Thơ, Tân Nhàn; " Thư Hà nội " - Diva Hồng Nhung...v...v....
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận