Những giá trị văn hóa truyền thống trong gìn giữ tài nguyên, môi trường
Tri thức dân gian - những kinh nghiệm, hiểu biết được các cộng đồng dân tộc tích lũy trong ứng xử tự nhiên, xã hội qua quá trình lịch sử lâu đời là kho tàng quý giá, có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển xã hội bền vững.
Ẩm thực và khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường
Từ hàng ngàn năm, các cộng đồng người Việt đã biết chế biến thức ăn từ các nguyên liệu sẵn có với các loại bánh gói lá. Trong đó, chiếc bánh chưng của người Kinh, người Tày, người Mường, Thái, Dao… là loại bánh gói lá có mặt từ rất sớm với những nguyên liệu đến ngàn năm sau vẫn được gìn giữ, bảo lưu.
Vẫn gạo nếp, lá dong hay lá chuối, vẫn lạt buộc, đỗ xanh… là những sản vật của nghề nông trồng lúa nước và nương rẫy cùng cây lá trong vườn hay trên rừng, qua bàn tay khéo léo của chủ thể văn hóa mà biến hóa thành món ăn đặc sắc.
Từ gạo – nếp và tẻ, để nguyên gạo hay giã, xay thành bột - với lá gói (lá dong, lá chuối….) hàng trăm loại bánh đã được sáng tạo, lưu truyền cho đến ngày nay. Cả một kho tàng tri thức dân gian được tích lũy qua thực tiễn đời sống là minh chứng cho khả năng sáng tạo bất tận của chủ thể văn hóa.
Hương vị rượu quý của người Cơ Tu (Quảng Nam) nhờ được đựng trong những dụng cụ bằng tre, nứa. |
Bánh lá gói là sáng tạo của thể làm đồ ăn đổi món cho ngon miệng, vừa để dành tiện lợi mà còn là lễ vật từ sản vật quê hương dành dâng cúng các vị thần linh và tổ tiên trong những dịp lễ tết. Từ khi trồng trọt, chăn nuôi, thu hái nguyên liệu đến khi chế biến và sau khi sử dụng, thứ còn lại của bánh lá gói đều không gây tổn hại đến môi trường.
Không chỉ thể, lá còn được các cộng đồng dân tộc Việt Nam gói ghém, bảo quản và chế biến thức ăn. Trong chế biến, lá dong, lá chuối, lá sen là loại phổ biến nhất được dùng gói, đậy đồ ăn trong quá trình chế biến để giữ kín hơi và tạo hương vị độc đáo cho món ăn.
Vẫn là gạo nếp nhưng được cho vào ống tre, nứa hay giang rồi nút lá chuối, đem nướng trên lửa, các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam tạo nên món cơm lam đơn giản nhưng thơm dẻo.
Đi suốt chiều dài lịch sử, nghệ thuật ẩm thực truyền thống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam được chủ thể văn hóa bồi đắp, gìn giữ. Nó phản ánh khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường và khả năng sáng tạo độc đáo của con người.
Học người xưa bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước – môi trường sống
Từ xa xưa, để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, các dân tộc thiểu số miền núi đã “thiêng hoá” chúng, coi những lực lượng đó đều có linh hồn có các vị thần cai quản. Đồng bào đặt ra những quy định, những điều cấm kỵ cũng như tổ chức những nghi lễ trang trọng để bảo vệ, gìn giữ mà Luật tục quy định rất rõ.
Thông qua lễ hội, người Thái hướng cả cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng. |
Trong Luật tục của dân tộc Thái có quy định: “Đầu Mường có “rừng hồn chiềng” gọi là cửa Xen là rừng cấm kiêng rộng lớn cây to cổ thụ mọc san sát”; “Cuối Mường có “rừng hồn chiềng” gọi là cửa Pọng, cũng là rừng cấm kiêng rộng lớn cây to cổ thụ mọc san sát”; “Cạnh Mường còn có khu rừng mang tên Chiềng Kẻo là khu rừng tha ma của Mường cũng là rừng kiêng cấm không được chặt phá”; “Vùng đất còn có các rừng gò săn, là nơi trời đặt cho người trần gian chuyên kiếm ăn; còn có khu rừng đầu nguồn đầu nước, nơi ở của loài ma thiêng, không được chặt phá bừa bãi”. Nhờ đó, người Thái đen ở Thuận Châu (Sơn La) nói riêng và dân tộc Thái nói chung đã bảo vệ tốt được những cánh rừng, những nguồn nước của mình.
Ở vùng Tây Nguyên, các cộng đồng dân tộc bản địa ở đây luôn coi trọng bến nước (giọt nước) và có những nghi lễ linh thiêng để cúng thần nước. Người Ê Đê, M’nông quan niệm đất đai, sông suối, cây cối, rừng rú… gắn với ông bà tổ tiên, với biểu tượng thiêng liêng của người Pô lăn (chủ đất) truyền từ đời này qua đời khác.
Luật tục nêu rõ: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà; Ông bà là người giữ cái hang (nơi sinh ra người Ê Đê), trông coi rừng, trông coi cây Ktơng, cây Kdjar; Nếu cây quéo không ra hoa, cây muỗm ra hoa không tốt, đó là vì con cháu đã mất nết, hư thân...”.
Đất đai và nguồn nước – môi trường sống luôn được các cộng đồng chăm lo, gìn giữ. |
Sau khi mùa màng kết thúc, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, người Ê Đê thường làm lễ cúng bến nước để tạ ơn các thần đã cho mưa thuận gió hòa, đem lại nhiều may mắn cho người dân.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, đây còn là sự sống của người Ê Đê. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh và biểu hiện sự coi trọng nguồn nước, lễ cúng bến nước còn truyền đi thông điệp giáo dục mọi người trong buôn có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng.
Tương tự như với bến nước, các cộng đồng miền núi phía Bắc thường có Lễ hội cúng thần rừng. Không những có giá trị sâu sắc về tinh thần, lễ hội này còn khẳng định ý thức sống hòa hợp, tôn trọng rừng nói riêng, thiên nhiên nói chung và trở thành ý thức chung của cả cộng đồng người.
Những tri thức dân gian, nhân sinh quan của các cộng đồng dân tộc thiểu số phản ánh cách ứng xử thông minh, hợp lý và có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường, quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đây là những giá trị vô giá trong kho tàng văn hóa truyền thống, dân gian của các cộng đồng dân tộc Việt Nam được trao truyền, gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Theo langvietonline.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận