5G sẽ là chất xúc tác hình thành những mô hình kinh doanh mới
Với những bước phát triển mới của mạng 5G có khả năng thúc đẩy các bước đột phá trong xã hội Nhật Bản như dân số già, đồng thời cũng là chất xúc tác để hình thành những mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế.
- Cách mạng 5G mang đến cơ hội cho cả người tốt lẫn kẻ xấu
- Cần áp dụng giải pháp thông minh để quản trị hiệu quả mạng 5G
- EU sẽ tìm hướng tiếp cận mạng 5G để tránh rủi ro đã được Mỹ cảnh báo
Các nhà phân tích cho biết, những lợi thế của mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) được giới thiệu gần đây tại Nhật Bản có khả năng xuất hiện hầu hết trong các ứng dụng thương mại, tạo ra những tiến bộ công nghệ mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm xe tự lái và chăm sóc sức khỏe trong những năm tới.
Với các đặc tính nổi bật hiện nay như cho phép tải xuống video nhanh hơn và trải nghiệm chơi game mượt mà hơn, kết nối đáng tin cậy hơn và độ trễ so với thời gian thực thấp hơn của mạng 5G có khả năng thúc đẩy các bước đột phá trong việc giải quyết các thách thức xã hội phổ biến bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động và dân số già của Nhật Bản.
Mạng 5G không chỉ giải quyết được những thách thức trong xã hội Nhật Bản mà còn là chất xúc tác hình thành những mô hình kinh doanh mới.
Theo ông Yoshinori Omura, Tổng thư ký Diễn đàn Xúc tiến truyền thông di động thế hệ thứ năm, "mạng 5G không chỉ là cơ sở hạ tầng viễn thông mà sẽ trở thành một phần của cơ sở hạ tầng xã hội thông qua việc sử dụng rộng rãi hơn trong 2-3 năm tới”.
Theo các nhà phân tích, ngoài việc cải thiện hiệu quả và năng suất của các hoạt động kinh doanh hiện tại, mạng 5G có thể thúc đẩy sự đổi mới bằng cách khuyến khích các công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau hợp tác và có thể làm thay đổi các mô hình kinh doanh.
Khả năng kết nối lên tới 1 triệu thiết bị trên 1 km2 của mạng 5G cho phép không chỉ xử lý lưu lượng truy cập nhiều hơn ở tốc độ cao hơn mà còn đồng thời thu thập dữ liệu thông qua một số cảm biến, mở ra cơ hội cho các ứng dụng mới trong hoạt động chế tạo, canh tác và dịch vụ bán lẻ.
Các ví dụ nổi bật của vấn đề như các loại xe tự lái có thể liên lạc thông tin với các phương tiện giao thông khác và cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách sử dụng người máy và truyền phát video trực tiếp.
Kết hợp với công nghệ Vạn vật kết nối Internet (IoT), các nhà phân tích dự kiến mạng 5G sẽ giúp kết nối "ở mức độ cao" các thiết bị như đồng hồ thông minh và thiết bị gia dụng, tạo cơ hội phát triển cho các dịch vụ thu phí mới.
Tuy vậy, nhà phân tích công nghệ thông tin cao cấp Eiji Fujiyoshi của Viện nghiên cứu Nomura cho biết, “trong khi các khả năng của 5G là vô tận thì các nhà cung cấp mạng di động cần tích cực nghiên cứu các ý tưởng hợp với những doanh nghiệp khác để kiến tạo các lĩnh vực kinh doanh mới, các doanh nghiệp mới”.
Ba nhà mạng lớn nhất của Nhật Bản là NTT Docomo Inc., KDDI Corp và SoftBank Corp đã triển khai dịch vụ 5G vào cuối tháng 3/2020 và đã bắt đầu thử nghiệm hợp tác liên quan tới 5G với các công ty khác.
Trong khi đó, hãng hàng không Japan Airlines Co. ngày 30/3 cho biết sẽ sử dụng dịch vụ 5G của KDDI để hỗ trợ công việc bảo trì máy bay từ xa. Còn công ty công nghệ và điện tử NEC cùng với doanh nghiệp truyền thông và sản xuất bán dẫn Fujitsu Ltd. đã xin giấy phép triển khai dịch vụ "5G nội bộ", nơi chính quyền địa phương và các công ty được phép xây dựng mạng lưới 5G riêng trong các khu vực hạn chế như nhà máy và đất nông nghiệp.
Fujitsu ngày 27/3 cho biết sẽ sử dụng mạng 5G “nội bộ” để giám sát an ninh tại cơ sở sản xuất ở Kawasaki thuộc tỉnh Kanagawa. Hệ thống sẽ phân tích các video được truyền từ nhiều camera được lắp đặt trong một hệ thống sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện bất kỳ chuyển động đáng ngờ nào.
Theo ông Omura, chi phí triển khai mạng 5G “nội bộ” hiện vẫn ở mức cao (khoảng 100 triệu yen, tương đương 920.000 USD) song dự kiến sẽ giảm khi nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương bắt đầu sử dụng mạng này.
Về phần mình, Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Điện tử Nhật Bản cho biết, nhu cầu 5G toàn cầu sẽ đạt 168.300 tỷ yen vào năm 2030, nhờ sự phổ biến của xe tự lái, người máy và camera trong sản xuất, dịch vụ tài chính và logistics.
Còn đối với mạng 5G “nội bộ”, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 65%/năm và đạt 10.800 tỷ yen vào năm 2030, trong đó 1.300 tỷ yen ở Nhật Bản.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận