Ấn Độ loại Huawei và ZTE khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G
Trong thông tin mới nhất được truyền thông Ấn Độ đăng tải cho biết, giới chức nước này sẽ áp dụng Luật đầu mới được thông qua từ ngày 23/7 để dần loại bỏ các nhà cung cấp thiết bị để phát triển mạng viễn thông 5G của Trung Quốc trong đó trọng tâm là Huawei và ZTE.
- Anh loại bỏ Huawei trong phát triển mạng 5G - Trung Quốc phản ứng thế nào?
- Australia cấm Huawei khiến 1.500 người lao động mất việc làm
- Bộ Thương mại Mỹ cụ thể hoá lệnh trừng phạt Huawei và ZTE
Theo trang mạng Business Standard của Ấn Độ ngày 13/8 đưa tin nước này đã loại 2 công ty công nghệ của Trung Quốc là Huawei và ZTE khỏi kế hoạch triển khai mạng 5G.
Các thiết bị của nhà cung cấp Huawei sẽ không còn chỗ đứng tại thị trường Ấn Độ sau khi Luật đầu tư sửa đổi được thông qua.
Các quan chức thạo tin đề nghị giấu tên cho biết Ấn Độ sẽ áp dụng luật đầu tư sửa đổi được thông qua hôm 23/7 cho phép hạn chế các nhà đầu tư đến từ các nước có chung biên giới đất liền với nước này với lý do lo ngại về an ninh quốc gia để loại bỏ những công ty trên. Tuy nhiên, Bộ truyền thông và Văn phòng chính phủ Ấn Độ chưa bình luận gì về các thông tin này.
Hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã cho phép Huawei tham gia thử nghiệm 5G, song New Delhi đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với các công ty của Trung Quốc sau những căng thẳng tại khu vực biên giới.
Bộ Truyền thông Ấn Độ cho biết sẽ khởi động lại các cuộc thảo luận về việc phê duyệt thử nghiệm mạng 5G với sự tham gia của các công ty tư nhân bao gồm Bharti Airtel Ltd, Reliance Jio Infocomm Ltd và Vodafone Idea Ltd. Tiến trình thảo luận này vốn bị trì hoãn vì lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo các nguồn tin trên, quá trình đấu giá 5G có thể sẽ kéo dài sang năm 2021 và lệnh cấm 2 công ty nêu trên của Trung Quốc sẽ được công bố trong một hoặc hai tuần nữa sau khi được văn phòng thủ tướng nước này phê duyệt.
Trước đó, giới chức Mỹ cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp gồm Huawei, ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Zhejiang Dahua Technology Co. từ ngày 13/8.
Quy định trên có hiệu lực trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ, trong đó Washington quan ngại các sản phẩm của các công ty Trung Quốc có thể được sử dụng cho các hoạt động do thám và những hoạt động khác gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ.
Theo quy định, các công ty, doanh nghiệp sẽ phải trải qua một quá trình thẩm tra để đảm bảo không sử dụng các thiết bị, dịch vụ của các doanh nghiệp Trung Quốc nêu trên.
Các biện pháp trên được thực hiện trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ năm 2018. Căn cứ đạo luật này, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã cấm các cơ quan chính phủ giao dịch với 5 công ty trên kể từ tháng 8/2019.
Theo hãng thông tấn Kyodo, quy định mới nói trên có thể ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản, buộc các công ty này phải xem xét chuyển đổi để tránh sử dụng các sản phẩm từ các công ty Trung Quốc.
Hiện Chính phủ Mỹ đang có quan hệ hợp tác với hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều hợp đồng liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ. Số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2019, các hợp đồng giữa Chính phủ Mỹ và doanh nghiệp Nhật có giá trị lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận