Chưa có lịch sửa chữa cáp quang biển, Internet Việt Nam còn chậm
3 trong 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đều đang gặp sự cố, làm ảnh hưởng đến tốc độ truy cập mạng. Hiện một số nhà mạng tại Việt Nam cho biết vẫn chưa có thông tin về thời điểm bắt đầu sửa chữa các tuyến cáp quang biển vừa bị đứt, do đó Internet Việt Nam còn chậm dài dài.
3 tuyến cáp quang biển Việt Nam đi quốc tế đều bị đứt.
Trước đó, 3 trong tổng số 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đã gặp sự cố, làm ảnh hưởng tốc độ truy cập mạng của người dùng trong nước.
Cụ thể, tuyến cáp quang Liên Á (IA) gặp sự cố từ ngày 13-6. Trước đó, tuyến cáp AAE-1 bị phát hiện gặp sự cố từ ngày 23-5, trong khi tuyến cáp APG đã bị sự cố từ tháng 3 nhưng vẫn chưa được sửa chữa.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người dùng cho biết tốc độ Internet đi quốc tế có chậm nhưng không đến nỗi quá tệ, vẫn còn truy cập được các dịch vụ phổ biến.
Trước tình hình này, các nhà mạng Việt Nam đều cho biết đã có biện pháp ứng cứu, bổ sung dung lượng nên tốc độ không bị suy giảm nhiều.
Đại diện nhà mạng Viettel cho biết đã bổ sung 400 Gbps dung lượng từ ngày 1-6, và sẽ bổ sung tiếp 1.000 Gbps dung lượng hướng Singapore để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Với các giải pháp này, tài nguyên kết nối quốc tế của Viettel đáp ứng được lưu lượng sử dụng lúc cao điểm nhất (lưu lượng lúc cao điểm sẽ chiếm 83,6% tổng tài nguyên kết nối quốc tế của Viettel).
Đồng thời Viettel thực hiện nhiều hành động chia sẻ tải để giảm áp lực kết nối quốc tế lên hướng qua Singapore. Đại diện Viettel còn cho biết đã làm việc với đối tác để sẵn sàng bổ sung tiếp tục 1.000 Gbps dự phòng cho hướng Hong Kong.
Nhà mạng FPT Telecom cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các tuyến cáp đất liền và cáp quang biển đến các trạm kết nối lớn tại Hong Kong và Singapore, sẵn sàng dự phòng lẫn nhau.
Hiện FPT Telecom vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, không ảnh hưởng dịch vụ…
Nhà mạng VNPT cũng cho biết đã thực hiện các biện pháp san tải và bổ sung lưu lượng từ các nguồn dự phòng nên vẫn đảm bảo liên lạc cho người dùng trong nước.
Thông tin thêm cho bạn:
Ngày 14/6, Bộ TT&TT đã ra quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Mục tiêu là đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực về hệ thống cáp quang quốc tế, trở thành lợi thế thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Điểm nhấn của chiến lược là đến năm 2030 sẽ triển khai thêm tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng số lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng tối thiểu 350 Tbps. Trong đó có tối thiểu 2 tuyến do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp đến các trung tâm dữ liệu (Digital Hub) trong khu vực.
Các tuyến cáp mới sẽ được triển khai theo tất cả các hướng khả thi như ra Biển Đông phía Bắc, phía Nam và vùng biển phía Nam. Việt Nam cũng sẽ triển khai thêm 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế.
Chiến lược nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp nhà nước tiên phong triển khai và thúc đẩy các đơn vị khác tham gia đầu tư, xây dựng. Đồng thời đảm bảo an toàn, bền vững cho hệ thống cáp quang quốc tế thông qua các giải pháp về tổ chức bộ máy, hợp tác trong nước và quốc tế cũng như nghiên cứu phát triển.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng