Đủ cách 'dội bom' điện thoại
Từ trước đến nay, telesale vẫn được nhiều doanh nghiệp áp dụng để bán bảo hiểm, bất động sản, thậm chí một số đơn vị xem telesale là kênh bán hàng chủ lực. Và để né các quy định của cơ quan chức năng, họ luôn có cách.
- Bộ TT&TT đang phối hợp với các nhà mạng thí điểm công cụ xử lý cuộc gọi rác
- MobiFone chặn cuộc gọi rác từ 1/7
- Telesales sẽ ra sao khi Nghị định cấm cuộc gọi rác có hiệu lực?
- Cắt liên lạc của thuê bao có 'cuộc gọi rác', Viettel tiên phong từ ngày 1/7
Người dân mua sim điện thoại tại một cửa hàng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Q.Đ.
Lần theo thông tin tuyển telesale tài chính, chúng tôi liên hệ với Hoàng (nhân viên tuyển dụng) và được cho biết công ty đang cần thêm telesale gọi điện tư vấn khách hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế, đầu tư ngoại hối.
Công việc này không yêu cầu người có kinh nghiệm vì sẽ được đào tạo. Nếu làm, chúng tôi sẽ được công ty cung cấp data (dữ liệu) khách hàng có sẵn.
Có sẵn "kho" khách hàng
"Mới vô làm sẽ được công ty đưa data "lạnh", mình phải tự tìm cách thuyết phục khách hàng" - anh Hoàng nói. Theo Hoàng, dân trong nghề chia dữ liệu khách hàng thành loại "lạnh" và "nóng". Trong đó, danh sách khách hàng "lạnh" chỉ có tên khách hàng tiềm năng và số điện thoại.
Danh sách "nóng" sẽ có nhiều thông tin cá nhân hơn, được cập nhật trong thời gian gần nhất, khả năng hứng thú với sản phẩm cao hơn. Thực tế, mặc dù mua dữ liệu chọn lọc nhưng không phải lúc nào thông tin khách hàng cũng chính xác.
Chị K.C. (làm việc tại một công ty cung cấp phần mềm, thiết kế web ở Q.12, TP.HCM) cho biết các telesale được cấp đầy đủ thông tin về khách hàng, đối tượng khách thuộc nhóm doanh nghiệp. Công ty sẽ hỗ trợ sim và thẻ điện thoại để telesale gọi điện. Trường hợp bị chặn sim rác, công ty hỗ trợ đổi sim khác.
Đa phần các doanh nghiệp đều có danh sách khách hàng sẵn. Họ là người đã từng mua trả góp thông qua công ty nên có đầy đủ thông tin trên chứng minh nhân dân, nghề nghiệp hiện tại, số điện thoại tham chiếu, mức thu nhập, khoản tiền có thể vay tối thiểu tối đa.
Telesale chỉ cần vào máy tính, copy số điện thoại khách hàng lên hệ thống quản lý dữ liệu, sau đó thao tác gọi trên máy tính.
Giám đốc một công ty môi giới bất động sản ở Q.Bình Thạnh cũng cho hay tiếp thị qua điện thoại vẫn là cách hiệu quả nhất để bán bất động sản. Mỗi ngày một nhân viên điện thoại cho 100 khách mà gặp 1-2 khách có nhu cầu mua thực đã là thành công.
Xét về con số thì rất thấp nhưng so với các hình thức khác như tiếp thị qua email, tin quảng bá trên các mạng xã hội, rao vặt... thì vẫn hiệu quả hơn nhiều.
"Việc cấm tin nhắn rác sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành môi giới bất động sản nhưng sẽ buộc các nhân viên môi giới phải tìm cách tiếp cận khác đúng luật hơn. Ví dụ như phải phân loại kỹ khách hàng để không phải gọi quá nhiều, tăng cường quảng cáo trên các mạng xã hội hoặc nhờ người giới thiệu", vị giám đốc này cho hay.
Tự động đổi số gọi đi
Còn theo Ngân Hà - nhân viên sale của một công ty bất động sản, ảnh hưởng chính sẽ thuộc về những nhân viên mới chưa có khách hàng và mối quan hệ. Đối với những môi giới lâu năm thì việc này không ảnh hưởng, thậm chí giới này đã từ bỏ việc spam điện thoại từ lâu.
"Chính những khách hàng cũ lại là những người có nhu cầu cao nhất về mua bất động sản. Vì vậy, những môi giới có kinh nghiệm sẽ dành phần lớn thời gian để chăm sóc nhóm khách hàng này để bán thêm hoặc nhờ giới thiệu. Nhắn tin hay điện thoại cho những người bạn biết thì không phải là spam" - Hà phân tích.
Theo anh M.P. - nhân viên bán hàng một công ty tài chính, việc chặn sim rác đến nay không quá lo lắng vì: "Hệ thống công ty có tới mấy ngàn sim, các số điện thoại này tự động kết nối, sau 9 phút sẽ tự ngắt cuộc gọi, bấm gọi lại thì nó sẽ là một số khác gọi cho khách hàng chứ không phải số vừa rồi. Nên giả sử khách hàng chặn số lúc đầu thì tắt máy gọi lại, nó là số điện thoại khác nên khách hàng không chặn được. Nó là nguyên một đường line ba đầu Vina, Viettel, Mobi và thêm những số điện thoại bàn nữa. Công ty lớn nên số lượng sim nhiều" - anh M.P. nói.
Thực hiện cuộc gọi rác bị phạt tới 100 triệu đồng Mức xử phạt được quy định tại nghị định 91/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/10. * Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối hoặc chưa đồng ý: 5 - 10 triệu đồng. * Gọi quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ; gọi quảng cáo ngoài khoảng thời gian 8h - 17h mà không có thỏa thuận với người sử dụng: 20 - 30 triệu đồng. * Gọi điện thoại quảng cáo tới số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo: 80 - 100 triệu đồng. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận