Doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó dù đã kín đơn hàng
Nguồn nguyên liệu, giá cước vận chuyển tăng nhanh liên tục đã khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trong nước gặp không ít khó khăn, chưa thể thoát khỏi những rào cản dù mùa cao điểm xuất khẩu hàng hoá đang đến rất gần.
- Doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong sử dụng hoá đơn điện tử
- Bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
- "Cởi trói" cho ngành hàng không thì người dùng được lợi gì?
Giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng vọt
Là DN chuyên gia công đồ nội thất, anh Phạm Đình Hải (SN 1987, làng nghề gỗ Vạn Điểm) cho biết giá gỗ gần đây đang được đẩy lên mức rất cao. Trước kia, đối với loại gỗ tuyển chọn, anh Hải chỉ nhập giá khoảng 23 - 24 triệu đồng/tấn nhưng hiện tại đã tăng vọt lên với mức giá gần 30 triệu đồng/tấn.
Việc giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng nhanh chóng mặt đã khiến không ít DN đau đầu, trong khi giá thành sản phẩm vẫn phải giữ nguyên, không thể "té nước theo mưa".
Việc giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng nhanh chóng mặt đã khiến không ít doanh nghiệp ngành gỗ trong nước "đau đầu". Ảnh: Lan Nhi
Anh Phạm Đình Hải chia sẻ: "Dù đơn hàng nhận về vẫn rất đều đặn thế nhưng do giá gỗ tăng nhanh chóng mặt nên xưởng của tôi chỉ dám nhập ít một về làm, thay vì nhập cả container hàng chục tấn như trước kia".
Ông Hoàng Kỳ Tài - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề gỗ Vạn Điểm (Hà Nội) cũng không khỏi lo lắng khi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu gần đây đang tăng vọt. Mùa cao điểm cung ứng hàng hoá đang đến gần nhưng đa số các DN gỗ tại làng nghề lại đang chần chừ, điêu đứng vì giá cả biến động quá nhanh. Điều này vô hình đã làm giảm sức cạnh tranh của thị trường nội thất, đồ gỗ Việt.
Cần gỡ rào cản từ nhiều phía
Theo tìm hiểu của Lao Động, một trong những khó khăn mà DN ngành gỗ trong nước phải đối mặt đó là giá nguyên liệu đang bị đẩy lên mức rất cao. Để trụ vững, nhiều DN đã phải tìm cách huy động vốn khắp nơi. Thông thường, cao điểm xuất khẩu gỗ hằng năm sẽ rơi vào khoảng tháng 4 - 5. Tuy nhiên năm nay, không ít DN gỗ vẫn đang chật vật vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ...
Đặc biệt, khi DN còn phụ thuộc quá lớn vào những vấn đề này thì ngành sản xuất gỗ nói chung và các DN xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận. Thời gian giao hàng cho các đối tác nước ngoài vì thế mà cũng kéo dài, ngành gỗ Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi thế cạnh tranh, chỗ đứng trên trường quốc tế.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên (Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng), ngành gỗ lâu nay chưa được đầu tư nhiều. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ còn ít, thiết kế mẫu mã còn yếu, chưa có các chính sách khuyến khích đủ mạnh để DN tận dụng cơ hội phát triển.
Nếu như Chính phủ quan tâm hơn sẽ tạo sức đẩy cho ngành này phát triển mạnh, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới.
Giá nguyên liệu bị đẩy lên mức rất cao, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách huy động vốn khắp nơi. Ảnh: Lan Nhi
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cũng cho rằng, các doanh nghiệp ngành nội thất hiện đã đủ đơn hàng đến quý III. Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất đạt 3,94 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.
Không chỉ kín đơn hàng đến quý III năm 2022, một số doanh nghiệp còn chốt xong đơn hàng hết năm 2022. Hiện khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành gỗ và nội thất phải đối mặt chính là nguồn cung nguyên liệu và chi phí logistics tăng vọt vì dịch bệnh COVID-19, cũng như chiến sự căng thẳng của Nga và Ukraine.
Theo đó, giá dầu tăng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng cũng đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành gỗ.
Đến nay, giá gỗ đã tăng khoảng 55% so với trước khi xảy ra căng thẳng. Tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu vẫn tiếp diễn và theo các doanh nghiệp, giá gỗ đang tăng lên mỗi ngày cũng như giá có thể bị đẩy cao hơn nữa. Chi phí logistics, cảng biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến các doanh nghiệp đau đầu.
"Để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành gỗ, chúng tôi đã và đang phối hợp với các tổ chức, hiệp hội, triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mang đến cơ hội tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn cung lẫn dịch vụ cho các DN.
Qua đó tạo ra các kết nối giao thương trong cả hệ sinh thái nội thất để DN có thể tiếp cận cả những dịch vụ phụ trợ, vận chuyển, kiểm định, phục vụ cho chuỗi cung ứng ngành" - bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) thông tin.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận