Nỗi lo chậm tiến độ khi giá vật liệu 'sốt' cao
Trước sức ép giá thép, vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng cao, nhiều nhà thầu xây dựng tại TP. Hà Nội đang phải gồng mình bù lỗ, lo ngại công trình xây dựng sẽ vỡ tiến độ thi công, khó bàn giao theo đúng hợp đồng.
- Bộ Công Thương quản lý giá xăng dầu ra sao?
- Nguyên vật liệu tăng giá, dự án 'treo' thi công
- Nhật Bản biến rác thải thực phẩm thành vật liệu xây dựng
Nhà thầu “còng lưng” gánh lỗ
Đang nhận một gói thầu xây dựng tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2, anh Hoàng Đình Hiếu (SN 1980, chủ thầu xây dựng) cũng không khỏi lo lắng khi giá VLXD những tháng vừa qua đang tăng chóng mặt. Việc giá VLXD, đặc biệt là giá thép liên tục biến động không ngừng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhiều chủ thầu xây dựng như anh Hiếu, cũng như tiến độ thi công tại đây.
Anh Hiếu chia sẻ: "Giá thép dự thầu ban đầu rơi vào khoảng 14.000 -15.000 đồng/kg nhưng bây giờ nhà thầu buộc phải bỏ tiền ra mua gần 20.000 đồng/kg. Nghe thì không chênh lệch nhiều nhưng với số lượng mua vào gần 3.000 tấn thép thì nhà thầu như chúng tôi đang phải gánh thêm khoảng 18 - 20 tỉ đồng. Công trình càng lớn thì nhà thầu càng lỗ nặng.
Nhiều nhà thầu xây dựng tại TP. Hà Nội đang phải gồng mình bù lỗ khi giá vật liệu xây dựng "sốt" cao. Ảnh: Lan Nhi
Trong khi đó, việc điều chỉnh giá của Nhà nước đang ở mức rất thấp. Giá VLXD liên tục biến động, nguồn phôi thép dự trữ hiện tại ở các nhà máy cũng hạn chế nên tôi buộc phải xoay xở, tìm nhiều nguồn để cung ứng.
Bình thường, tôi chỉ cần gọi điện thoại là có ngay nhưng giờ phải đặt cọc trước 90% tiền mặt và chờ khoảng 1 tuần thì bên công ty mới giao vật liệu đến, việc chậm tiến độ thì công là chuyện không thể tránh khỏi".
Cũng đang nhận một gói thầu tại dự án chung cư ở Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Hoàng Nghị - Chủ thầu xây dựng cũng lo lắng khi giá thép, VLXD liên tục "phát sốt". Theo anh Nghị, khi nhận hợp đồng tại đây, chủ thầu có thể nhận gói thầu căn cứ theo giá thị trường lên xuống, cộng thêm chi phí phát sinh hoặc gói thầu có bảo hiểm rủi ro của hợp đồng.
Việc điều chỉnh giá VLXD liên tục, anh Nghị cho rằng có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý vật tư hao hụt và vật tư đầu vào, tiến độ thanh toán hợp đồng của chủ đầu tư khi công trình hoàn thiện.
Ngăn "đầu cơ, thổi giá" vật liệu xây dựng
Trước tình trạng giá thép, VLXD đang tăng "phi mã", mới đây, ông Bùi Hồng Minh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã ký văn bản yêu cầu các địa phương vào cuộc để ngăn tình trạng "đầu cơ, thổi giá", công bố kịp thời đơn giá VLXD sát với thị trường để hỗ trợ các nhà thầu.
Theo Bộ Xây dựng, trong bối cảnh nhiều loại VLXD như sắt thép, xi măng, cát, gạch xây dựng tăng giá mạnh thời gian qua, một số địa phương đã xác định và công bố đơn giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, nhiều danh mục đơn giá VLXD do Sở Xây dựng địa phương công bố còn thiếu một số VLXD chủ yếu.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của dự án.
Việc giá VLXD, đặc biệt là giá thép liên tục biến động không ngừng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhiều chủ thầu xây dựng. Ảnh: Lan Nhi
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các chủ thể trong công tác lập và quản lý chi phí đầu tư, hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở xây dựng tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, công bố kịp thời chỉ số giá xây dựng, giá VLXD, thiết bị, công trình trên địa bàn.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương phải thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường. Đối với các loại vật liệu chủ yếu có biến động nhiều, cần tổ chức xác định, công bố giá VLXD hằng tháng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.
Đặc biệt các dự án, công trình được thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc phạm vi của nghị quyết của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chủ động giao các Sở xây dựng và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho từng gói thầu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, việc Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phải sớm cập nhật đơn giá xây dựng cho phù hợp với biến động giá VLXD chỉ có ý nghĩa với các dự án đầu tư công, bằng vốn ngân sách Nhà nước. Các nhà thầu thi công dự án đầu tư công sẽ được hỗ trợ kịp thời để bảo đảm tiến độ công trình.
Tuy nhiên, đối với các công trình tư nhân, nhà thầu buộc phải ngồi lại với chủ đầu tư để thương lượng lại đơn giá xây dựng. Trong trường hợp không thương lượng được thì nhà thầu xây dựng phải chấp nhận thua thiệt. Về lâu dài, rất cần có các chính sách điều tiết vĩ mô cụ thể bằng thuế, phí để kiểm soát chặt chẽ giá thép, VLXD.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận