Sau 15 năm ứng dụng KHCN góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất
Sau 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 đã tạo ra những bước đột phá đáng ghi nhận góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Tại hội nghị tổng kết, đánh giá 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định: Nghị quyết 37- NQ/TW đã lan tỏa và thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh nói chung và từng địa phương trong Vùng Trung du và miền múi phía Bắc nói riêng, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của vùng. Việc tổng kết đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong những cơ sở để xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Các đề án, chương trình KH&CN cấp quốc gia; các chương trình KH&CN cấp địa phương; các hoạt động xúc tiến thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng an ninh, được thực hiện trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp khai khoáng, chế biến, nông lâm thủy sản cho tới các ngành dịch vụ khác.
Các sản phẩm của Chương trình "KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" tiếp tục được chuyển giao cho các doanh nghiệp để tiến hành thương mại hóa sản phẩm. Đặc biệt là hợp chất mới nhóm terpenoid từ cây đan sâm có tác dụng chống huyết khối, tăng cường tuần hoàn não. Đây là lần đầu tiên hợp chất này được phân lập và xác định cấu trúc, là cơ sở quan trọng cho việc phát triển thuốc...
15 năm qua, ngành KH&CN đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, đề án như: “Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các ngành công nghiệp khai khoáng, bảo quản, chế biến nông lâm sản”; “Ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển các cây con đặc sản, các sản phẩm chủ yếu”, “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”…
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều hoạt động KH&CN thiết thực, có hiệu quả, góp phần thực hiện các kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Tiềm năng, lợi thế của vùng bước đầu đã được phát huy, nhiều tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng; năng lực sản xuất mới được tăng thêm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng được cải thiện rõ rệt.
Cần giải pháp để tiếp nối thành công của 15 năm
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, nhiều thành tựu KH&CN đáng ghi nhận, nhiều tiến bộ KHCN tiên tiến đã được lựa chọn ứng dụng, triển khai phù hợp, hiệu quả với địa phương, như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Các doanh nghiệp ở địa phương được hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới, nhằm phát huy các lợi thế ngành nghề truyền thống của địa phương, vùng. Hầu hết các dự án triển khai tại Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ mang lại hiệu quả KT-XH thiết thực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, miền núi, nâng cao thu nhập cho người dân.
Một số dự án nổi bật như: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên", "Ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ", “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang”, "Xây dựng mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê, chè bền vững tại tỉnh Sơn La"…
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ cũng đã thực hiện qua 3 giai đoạn (2006-2010, 2011-2015 và 2016-2020) với sự tăng trưởng về lượng và đảm bảo về chất. Giai đoạn 2006-2010, Chương trình đã hỗ trợ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ áp dụng thực tiễn cho 1 sáng chế, giải pháp công nghệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 20 đặc sản địa phương mang địa danh; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ cho các địa phương.
Giai đoạn 2011-2015, Chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp, công nghệ; áp dụng thực tiễn cho 6 sáng chế, giải pháp công nghệ; quản lý và vận hành hoạt động sở hữu trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho 1 trường đại học; hỗ trợ khai thác thông tin và tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho 1 đơn vị; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 36 đặc sản địa phương mang địa danh; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ từng địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, tính đến tháng 6/2019, Chương trình đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 20 giải pháp, công nghệ; áp dụng thực tiễn cho 14 sáng chế, giải pháp công nghệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 7 đặc sản địa phương mang địa danh; 1 dự án hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ riêng của các địa phương.
Đặc biệt, các sản phẩm của Chương trình Tây Bắc tiếp tục được đẩy mạnh với 4 loại chủ yếu: Bộ cơ sở dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; một số mô hình phát triển KT-XH phù hợp cho cộng đồng ở một số tiểu vùng, liên vùng khu vực Tây Bắc; các giải pháp KH&CN phù hợp để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; cơ sở dữ liệu về nhu cầu đào tạo nhân lực và các giải pháp đào tạo phù hợp với Vùng.
Cùng với những thành tựu sau 15 thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát huy tiềm năng, lợi thế trong ứng dụng công nghệ 4.0, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường liên kết 4 nhà và vai trò của đại học vùng, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu; đổi mới sáng tạo khởi nghiệp để KH&CN thực sự mang lại hiệu quả và có ý nghĩa hơn trong việc nâng cao đời sống người dân.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách liên vùng để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn cũng như những định hướng, giải pháp cụ thể trong phát triển thương hiệu vùng; đặc biệt là nâng cao vai trò cấp ủy, chính quyền trong phát triển KH&CN.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận