Người dùng cô đơn trên Facebook
Không thể phủ nhận vai trò của Facebook trong việc kết nối, chia sẻ với hàng tỉ người trên thế giới, nhưng gần đây, nhiều người dùng tại Việt Nam đang có xu hướng "bỏ hoang" mạng xã hội này vì cảm giác cô lập và vướng phải hàng loạt những rắc rối khác.
- 'Vũ trụ ảo' - Hướng đi liệu có giúp Facebook tìm lại 'hào quang' trong 'bão' dồn dập
- Robot 'cháu cưng' xoá tan nỗi cô đơn của người già
- Con người - Động vật bậc cao nhất nhưng lại cô đơn nhất trên hành tinh của mình
Khi người dùng ngày càng bất an
Rời bỏ mạng xã hội Facebook được khoảng 6 tháng nay, chị Trần Thị Hồng Vân (sinh năm 1990, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho rằng đây là một quyết định đúng đắn. Trước kia, mỗi ngày chị Vân đều rất chăm chỉ cập nhập tình hình bản thân bằng những hình ảnh, dòng trạng thái cảm xúc. Facebook là công cụ không thể thiếu vắng trong cuộc sống của chị.
Chị Trần Thị Hồng Vân chia sẻ: "Tôi rời khỏi Facebook vì thấy không còn phù hợp với nhu cầu. Trước kia, tôi sử dụng mạng xã hội này với ý nghĩa rất thuần tuý, chỉ để giao lưu, kết nối bạn bè, người thân. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi lần mở Facebook ra đều thấy trên bảng tin xuất hiện hàng loạt những dòng tin nhảm, tin đồn thất thiệt, tin chưa được kiểm duyệt, quảng cáo thì nhiều vô kể... khiến không ít người dùng như tôi cảm thấy chán nản, hoang mang. Hoặc chỉ cần có một vụ việc nào đó đang lùm xùm trên báo chí, ngay lập tức trên Facebook sẽ có hàng trăm người dù không phải là chuyên gia nhưng họ vẫn tranh biện mỗi người một kiểu, công kích lẫn nhau rất mệt mỏi".
Nhiều người dùng tại Việt Nam đang có xu hướng "bỏ hoang" mạng xã hội này vì cảm giác cô lập và vướng phải hàng loạt những rắc rối khác. Ảnh: MXH
Mỗi ngày đều có hàng chục người gọi điện nhờ lấy lại tài khoản Facebook, anh Nguyễn Trung Kiên (IT tự do) cho rằng, lí do người dùng đang quay lưng lại với Facebook vì mạng xã hội này có nhiều lỗ hổng, tính bảo mật thông tin chưa cao. Lợi dụng lỗ hổng này, có không ít hacker đã ăn cắp tài khoản, dữ liệu cá nhân của người nổi tiếng để bán thông tin hoặc tiến hành lừa đảo, vay tiền nóng.
Chưa hết, theo anh Kiên, người sở hữu tài khoản mạng xã hội thường có thói quen thoải mái chia sẻ, đăng nhập vào các ứng dụng, trang web cũng rất dễ bị rò rỉ thông tin như số điện thoại, email, ngày sinh. Trường hợp vừa gõ, tìm mua một thứ gì đó trên Facebook, Google, chỉ vài giây sau sẽ nhận được ti tỉ quảng cáo cũng khiến không ít người dùng cảm thấy lo lắng. Ứng dụng Facebook rất có thể đã thu thập dữ liệu cá nhân để trao cho bên thứ ba, hoặc họ tự quảng cáo cho bên thứ ba thông qua Big Data, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI.
"Việc lạm dụng các phương tiện truyền thông, xã hội thường xuyên sẽ khiến con người ngày càng bị cô lập. Biểu hiện này giống như hội chứng tâm lý FOMO (Sợ bị bỏ lỡ). Chỉ cần vài phút chưa truy cập Facebook thôi sẽ khiến họ cảm thấy bồn chồn, lo lắng, sợ bản thân bị lãng quên, bỏ lỡ một điều gì đó. Khi mạng xã hội xâm nhập quá sâu, nhiều người thường có thói quen nhắn tin thay vì gặp gỡ, nói chuyện, giao tiếp trực tiếp ở ngoài đời thật. Dù danh sách bạn bè có hàng nghìn người nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn, bất an. Facebook không xấu nhưng người dùng nên tỉnh táo lựa chọn cách sử dụng sao cho phù hợp nhất", chị Lê Thanh Mai (chuyên gia tâm lý học ở Hà Nội) cho hay.
Nguy cơ thoái trào
Ra đời năm 2004, Facebook đã đặt mục tiêu giúp người dùng duy trì kết nối với bạn bè, gia đình, chia sẻ những khoảng khắc trong cuộc sống. Dù vậy, các kỹ sư, nhà nghiên cứu tại Facebook (hiện đổi tên thành Meta Platforms Inc) vẫn đang vật lộn với một vấn đề gai góc: Giải quyết sự cô đơn cho người dùng.
Theo Bloomberg, nỗi cô đơn càng được khắc họa rõ nét trong đại dịch COVID-19. Khi người dùng chọn Facebook làm kênh liên lạc thay cho những buổi gặp mặt trực tiếp. Trong nội bộ, các nhân viên của Meta cũng bắt đầu nhận ra tác động của mạng xã hội này với tinh thần của người dùng nhưng chưa tìm ra được phương án khắc phục triệt để.
Các nghiên cứu nội bộ của Meta cũng phát hiện, Facebook có thể làm trầm trọng nỗi cô đơn thay vì đóng vai trò làm giảm bớt. Cô đơn là cảm xúc thường gặp nhất ở người dùng trẻ, từ 13 đến 24 tuổi. Đây cũng là nhóm người dùng mà Meta đang quan tâm nhất cho cả 2 nền tảng Facebook và Instagram.
Việc đào sâu nghiên cứu về sự cô đơn của người dùng cũng là mục tiêu quan trọng đối với Meta. Bởi một số trải nghiệm Facebook có thể tác động xấu đến tâm trạng người dùng như khi nhìn thấy các bài đăng tiêu cực, bình luận gây tổn thương hoặc thấy các nội dung dẫn đến so sánh trên mạng xã hội.
Việc đào sâu nghiên cứu về sự cô đơn của người dùng cũng là mục tiêu quan trọng đối với Meta. Ảnh: MXH
Trong báo cáo tài chính mới đây, CEO Mark Zuckerberg đã thừa nhận, lần đầu tiên kể từ khi ra đời năm 2004, lượng người dùng Facebook hàng ngày trong một quý đã dừng tăng trưởng. Tại một số thị trường, số lượng người dùng thậm chí còn đi xuống. Một ngày sau đó, giá cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 1/4. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nay là do người dùng không còn thấy vui vẻ trên mạng xã hội.
Những tính năng giúp kết nối như Group lại vô tình trở thành vườn ươm cho vấn nạn tin giả và chủ nghĩa cực đoan. Hay tính năng hiển thị những bức ảnh kỷ niệm ban đầu được phát triển để khơi dậy cảm giác kết nối, nhưng thực tế, chính các nghiên cứu nội bộ của Facebook thể hiện chúng có thể gây ra sự buồn bã nhiều hơn.
Melissa Hunt (Phó giám đốc khoa tâm lý đào tạo lâm sàng thuộc Đại học Pennsylvania) cho biết: "Những người trẻ dùng Facebook dưới một giờ một ngày dường như có mức độ hạnh phúc cao và ít cô đơn hơn người truy cập mạng xã hội này nhiều giờ trong ngày".
Nỗ lực để người dùng bớt cô đơn, Facebook cũng nhiều lần tìm cách tiếp cận công nghệ mới, xây dựng cộng đồng với nội dung hấp dẫn. Việc cố gắng giữ chân và thuyết phục, khiến người dùng hạnh phúc là điểm mấu chốt thành công về mặt tài chính của Facebook.
Tuy nhiên, điều này cũng không giúp công ty tránh được sự giám sát gắt gao từ cơ quan quản lý. Các nhà lập pháp và hoạt động xã hội cho rằng, Facebook đang làm cho những người dễ tổn thương càng phụ thuộc vào sản phẩm của họ, những nội dung được đề xuất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.
Trong cuốn Digital Minimalism, Cal Newport - Phó Giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ) đã chia sẻ: Công nghệ số có ở khắp mọi nơi và nhiều khi khiến chúng ta bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá trong đời. Trên cương vị là một nhà khoa học máy tính, Cal Newport kiếm tiền bằng cách góp công sức vào công cuộc thúc đẩy sự tiến bộ của thế giới số.
Công nghệ, mạng xã hội không xấu nhưng người dùng cần biết kiểm soát và sử dụng đúng cách. Qua đó, tự tin đưa ra quyết định những công cụ mà mình muốn sử dụng là gì, vì lý do gì, trong điều kiện như thế nào để có một cuộc sống chất lượng hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận