Thái Nguyên: Thanh toán không dùng tiền mặt trong phần lớn các giao dịch của người dân
Đó là mục tiêu hướng tới của Chương trình chuyển đổi tỉnh Thái Nguyên khi tập trung xây dựng, triển khai các nền tảng xã hội số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
- Gen Z và xu hướng thanh toán không tiền mặt
- Petrolimex triển khai thanh toán không tiếp xúc trên toàn quốc
- Quảng Ninh: Hạ Long triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt
Theo đó, Thái Nguyên thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân; phấn đấu 100% tiểu thương được trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ đăng ký mô hình chợ 4.0...
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số như: nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; phần mềm kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; nền tảng kế toán dịch vụ...
Thanh toán không dùng tiền mặt được kỳ vọng sẽ là công cụ giao dịch chính trong chiến lược chuyển đổi số tại Thái Nguyên.
Để đạt được các mục tiêu, thời gian tới, Thái Nguyên tăng cường triển khai phát triển nguồn nhân lực số; đôn đốc, kiểm tra, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước đã được phê duyệt; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, đảm bảo các tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả...
"Thái Nguyên đã thí điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI) đối với 6 doanh nghiệp; tư vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn các nền tảng số trong chương trình SMEdx để trải nghiệm và thực hiện chuyển đổi số; xây dựng Cổng đăng ký tên miền.vn và hỗ trợ triển khai miễn phí 15 website cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số của địa phương" ông Đỗ Xuân Hoà nhấn mạnh.
Đến hết năm 2022, sàn giao dịch thương mại điện tử Thái Nguyên có gần 6 triệu lượt người truy cập với tổng số hơn 2.500 sản phẩm được cập nhật, có 129 sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên sàn. Toàn tỉnh có gần 300 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tự đưa được sản phẩm lên sàn trực tiếp và đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen.
Trên 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản và đưa lên hai sàn thương mại điện tử lớn (Postmart, Vỏ sò) với gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp.... Đến nay, mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai tại 60 chợ trên địa bàn...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, cùng với những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế số và xã hội số, việc triển khai thực hiện chính quyền số có chuyển biến mạnh.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn, kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên toàn tỉnh, phục vụ an toàn, kịp thời các phiên họp trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Tỉnh đã hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 142/178 kênh cấp xã, phường; duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên; tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên lên Cổng dịch vụ công Quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận