Các hãng xe hơi nỗ lực sản xuất máy trợ thở điều trị Covid-19: Chuyện thật không dễ
Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ, hàng loạt ông lớn sản xuất xe hơi như Ford, GM, Toyota và Tesla cam kết hỗ trợ sản xuất máy trợ thở để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng lên trên toàn cầu.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu dẫn tới tình trạng khan hiếm thiết bị, vật dụng y tế... Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ, các hãng sản xuất ô tô đã tích cực hưởng ứng và nỗ lực hành động quyết liệt để sản xuất máy trợ thở trước tình trạng khan hiếm mặt hàng này trong đại dịch Covid-19.
Hiện tại, GM, Toyota, Ford và Tesla đã cam kết trợ giúp. Trong đó, Tổng thống Donald Trump kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng, ra lệnh cho GM “chấp nhận, thực hiện và ưu tiên” sản xuất máy trợ thở sau khi chỉ trích công ty phản ứng không đủ nhanh trong đại dịch. Lệnh của ông Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi GM thông báo kế hoạch phát triển máy trợ thở cùng Ventec Life Systems tại một trong các nhà máy ở Indiana.
Những nỗ lực của các hãng xe sẽ đóng góp không nhỏ cho cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, theo CNN, việc chuyển đổi từ xe hơi sang máy trợ thở không hề dễ dàng. máy trợ thở là cỗ máy phức tạp, sử dụng phần mềm tinh vi và các linh kiện chuyên dụng. Những công ty từng muốn sản xuất chúng phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, nhân công được đào tạo đặc biệt, phê chuẩn pháp lý và điều kiện an toàn.
Các công ty ô tô cho biết sẽ hợp tác với các nhà sản xuất máy trợ thở để giúp tăng sản lượng. Một số hãng như GM, Tesla, Ford tìm cách sản xuất máy trợ thở trong nhà máy của mình. Đây là cuộc chiến khốc liệt và phải chạy đua với thời gian.
Bệnh viện tại New York đã quá tải. Nhà chức trách lo ngại họ sẽ đối mặt với tình huống tương tự Italy, nơi máy trợ thở khan hiếm tới mức bác sỹ phải lựa chọn cứu chữa cho bệnh nhân nào có khả năng sống sót cao hơn. Theo Thị trưởng New York Andrew Cuomo, bệnh viện đang thử nghiệm các giải pháp khác như dùng chung máy trợ thở cho 2 bệnh nhân.
Hiện tại, Mỹ có khoảng 160.000 máy trợ thở nhưng họ cần tới 740.000 máy trợ thở, theo Trung tâm An toàn sức khỏe Johns Hopkins. máy trợ thở sẽ giúp cho các Covid-19 đặc biệt nặng, những người bắt đầu mất khả năng tự thở. Thiết bị cung cấp oxy đến phổi và giảm nồng độ CO2 trong cơ thể, do đó phổi của bệnh nhân có thể được nghỉ ngơi trong khi điều trị.
Cách tốt nhất mà các hãng xe hơi có thể làm
Không phải mọi máy trợ thở đều giống nhau, một số phức tạp hơn số còn lại. Bệnh nhân Covid-19 nặng nhất sẽ cần tới máy cao cấp, giá bán lên tới 50.000 USD. Những cỗ máy này phải do chuyên gia y tế được đào tạo bài bản vận hành. Việc sản xuất và lắp ráp chúng tốt nhất là nhường lại cho nhà sản xuất máy trợ thở chuyên nghiệp, theo Vafa Jamali, Phó Chủ tịch Medtronic, một trong số ít công ty sản xuất máy trợ thở.
Theo Medtronic, các hãng xe hơi không đủ khả năng chế tạo máy trợ thở công nghệ cao. “Vì đây là thiết bị cứu sống con người, nó không thể sai sót. Linh kiện quan trọng và kinh nghiệm sản xuất khiến cho điều này trở nên đặc biệt quan trọng”, ông Jamali nói.
Với mục tiêu là cho ra 500 máy trợ thở cao cấp trong một tuần, tăng gấp 5 lần. Medtronic đã tăng lượng sản xuất máy trợ thở hàng tuần thêm 40% từ tháng 1/2020, một phần nhờ dây chuyền lắp ráp hoạt động 24/24. Công ty lên kế hoạch tăng 200% năng suất trong vài tuần tới thông qua tăng gấp đôi số lượng công nhân.
Tuy vậy, số lượng sản xuất mỗi tuần mà Medtronic đáp ứng được chỉ là vài trăm, trong khi bác sỹ cần tới hàng nghìn máy. Nó là lý do vì sao họ hoan nghênh ý tưởng từ các nhà sản xuất xe hơi.
Medtronic đã hợp tác GM để giúp tăng sản lượng của Ventec Life Systems lên khoảng 10.000 máy/tháng hoặc hơn. Một số máy trợ thở sẽ được sản xuất trong nhà máy GM tại Indiana. Những chiếc máy trợ thở đầu tiên dự kiến được chuyển đi vào tháng 4.
Toyota đang hoàn thiện các bước cuối cùng để hợp tác với ít nhất 2 công ty sản xuất máy trợ thở và mặt nạ nhằm tăng sản lượng. Tuy nhiên, không rõ đây là hai công ty nào.
máy trợ thở đơn giản hơn
Medtronic cũng sản xuất máy trợ thở đơn giản hơn cho các ca bệnh nhẹ hơn và đang cân nhắc công khai thiết kế của một hoặc hai máy này để các nhà sản xuất bên ngoài cũng có thể chế tạo.
Khi hợp tác với GE Healthcare, Ford cũng hỗ trợ thiết kế máy trợ thở mới, đơn giản, tương đối dễ sản xuất. Mục tiêu của họ là loại bỏ bất kể thứ gì không cần thiết cho việc thở. Nếu thành công, thiết bị sẽ được sản xuất tại nhà máy bên ngoài GE, thậm chí là tại nhà máy của Ford.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nói đã thay đổi một số quy định pháp lý để các nhà sản xuất xe hơi và các nhà sản xuất thiết bị khác không phải y tế nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Chẳng hạn, FDA không thực hiện quy định yêu cầu nhà sản xuất máy trợ thở phải được phê duyệt trước khi thay đổi nhỏ trên máy trợ thở.
Nỗi lo bản quyền
Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy trợ thở truyền thống tỏ ra cảnh giác khi làm việc với bên thứ ba. Theo ông Jamali, nếu có sai sót trong sản xuất, nó sẽ trở thành thảm họa. Bản quyền cũng là một trở ngại. Thiết kế máy trợ thở, phần mềm hay linh kiện quan trọng thường liên quan đến bí mật thương mại, tài sản sở hữu trí tuệ.
Debbie Wang, nhà phân tích của Morningstar, cho biết ngành thiết bị y tế đặc biệt nhạy cảm trong bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và điều này không thể biến mất ngay cả trong đại dịch. Patrick Keane, luật sư về bản quyền, cũng đồng tình rằng lo ngại về tài sản sở hữu trí tuệ sẽ khiến các nhà sản xuất truyền thống do dự khi làm việc với bên ngoài.
Đạo luật Sản xuất quốc phòng là công cụ mạnh mẽ nhất mà chính phủ bảo đảm điều đó không xảy ra. Kích hoạt đạo luật này cho phép Nhà Trắng trực tiếp chỉ đạo sản xuất.
Dù vậy, ngay cả khi đạo luật đã được kích hoạt và các công ty bắt tay với nhau, vấn đề vẫn còn tiếp diễn. Khả năng sản xuất máy trợ thở hiện nay thấp hơn nhiều so với nhu cầu và việc thiết lập dây chuyền sản xuất mới không hề đơn giản. Bạn không thể bất thình lình yêu cầu công nhân chuyên sản xuất điều hòa xe hơi sang sản xuất máy trợ thở được.
Theo Tạp chí Điện tử / CNN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận