Tiếng ồn trên xe có thực sự cần phải triệt tiêu?
Bất kỳ người dùng nào khi phải sử dụng xe ô tô cũng đều cảm thấy sự khó chịu với tiếng ổn vọng lại từ phía ngoài xe vào trong nhưng ít người có thể biết rằng đó là cả sự tính toán của các nhà sản xuất chứa đựng cả những thông số kỹ thuật rồi đến cả cảm nhận của cá nhân những người ngồi trong nó.
Sự tĩnh lặng đáng sợ trên siêu xe
Hồi tháng 9/2020, thương hiệu siêu sang Rolls-Royce đã cho trình làng mẫu xe Ghost thế hệ thứ hai. Rolls-Royce Ghost mới được đánh giá là chiếc xế hộp siêu sang trọng vô cùng hoàn hảo. Thế nhưng, để có thể nhận được những đánh giá gần như tuyệt đối, Rolls-Royce đã phải rất kỳ công để đưa… tiếng ồn vào trong khoang xe.
Trước khi được tinh chỉnh, cabin xe siêu sang Rolls-Royce Ghost 2020 tĩnh lặng đến mức bị ví như một “nấm mồ”.
Đó hoàn toàn không phải chuyện hài hước. Trước khi trình làng, Rolls-Royce đã mời những chuyên gia và nhà báo hàng đầu trong lĩnh vực ô tô trực tiếp cầm lái và trải nghiệm thử để đưa ra những đánh giá mang tính chất khách quan của “người ngoài”.
Kết quả, Rolls-Royce Ghost đã nhận được những phàn nàn rất… “ầu ơ”. Đó là vấn đề về tiếng ồn trong khoang xe tĩnh lặng đến mức chẳng khác nào một “nấm mồ” bởi đã được cách âm quá tốt.
Bản thân kỹ sư trưởng của dòng xe Ghost, ông Jon Simms, sau khi nhận những phản hồi cũng đã thừa nhận sự tĩnh lặng và yên ắng trong khoang xe gây cảm giác như buồn nôn. Nó quá tĩnh lặng đến độ khiến người ta có cảm giác bị mất phương hướng.
Sau đó, các kỹ sư của Rolls-Royce đã phải thực hiện một nhiệm vụ có vẻ ngược đời là tìm cách đưa tiếng ồn vào trong khoang xe.
Khối động cơ 563 mã lực được điều chỉnh, các chi tiết thân xe như ghế sau và cốp xe được sắp xếp lại, 4 lớp cách âm đặc biệt trong cửa xe cũng được tinh chỉnh…
Mục tiêu cuối cùng mà Rolls-Royce Ghost đạt được là những loại tiếng ồn khó chịu được triệt tiêu hoàn toàn nhưng khoang xe vẫn có những âm thanh tinh tế để giúp hành khách được thoải mái. Phóng viên của hãng tin Bloomberg ví von âm thanh trong khoang xe Rolls-Royce Ghost thế hệ mới sau khi đã được điều chỉnh giống như tiếng nhạc từ studio của nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng David Foster lúc ông ghi âm với danh ca mù Andrea Bocelli.
Những chiếc Rolls-Royce khác cũng vậy. Khả năng cách âm hoàn hảo nhưng khoang xe vẫn có những âm thanh được tạo nên theo cách tự nhiên nhất. Chỉ khi nào ông chủ yêu cầu bật lên một bản giao hưởng, những âm thanh đó sẽ được tắt đi để người ngồi trong xe có thể cảm nhận được những bước chân lạc đà, tiếng khò khè của con rắn hổ mang trong trò dụ rắn, những tiếng lách tách của hàng hoá và cả những tiếng xin xỏ của những kẻ ăn mày… trong “Phiên chợ Ba Tư” huyền thoại.
Sự tĩnh lặng trong khoang nội thất cũng chính là “vấn đề” đối với các loại xe điện cao cấp. Bởi với khả năng cách âm cực tốt của hệ khung gầm, thân xe và những vật liệu cao cấp thì động cơ điện quá yên tĩnh đã khiến cho không gian nội thất của những chiếc xe điện trở nên khó chịu.
Bởi vậy, trước khi tung ra thị trường, mẫu xe thể thao thuần điện Porsche Taycan cũng đã được hãng xe thể thao lừng danh nước Đức kỳ công thiết kế những âm thanh đặc biệt để đưa vào cabin của xe.
Âm thanh hay tiếng ồn?
Đến đây, có lẽ chúng ta cần tự tìm cách phân biệt ý nghĩa của hai khái niệm “âm thanh” và “tiếng ồn”.
Đối với các loại xe phổ thông, tiếng ồn trong xe luôn là một vấn đề nan giải. Nhưng tại sao các hãng xe lớn trên thế giới đều có khả năng và trình độ xử lý vấn đề tiếng ồn trong xe song lại vẫn để khách hàng kêu ca về điều đó?
Câu trả lời nằm ở chi phí. Giá thành xe phổ thông luôn được kéo xuống thấp và bởi vậy, chúng không thể và không đủ “vai vế” để được thừa hưởng những vật liệu cao cấp và những kỹ thuật tiêu âm đỉnh cao. Chưa kể, những thứ đó nên được để dành cho những dòng xe cao cấp. Đó chính là khác biệt.
Thế nhưng, giống như Rolls-Royce Ghost hay Porshe Taycan, khả năng cách âm quá tốt cũng là điều không thực sự hoàn hảo. Tại sao vậy?
Khoang nội thất của mẫu xe thể thao thuần điện điện Porsche Taycan Turbo S 2020.
Một lần tôi mang chiếc xe Mercedes GLK về để gia đình trải nghiệm thử. Sau một chuyến đi, bọn trẻ khi ấy đều dưới 10 tuổi có chung phản hồi: “Con không thích xe này”. “Tại sao vậy?”, tôi hỏi lại. Cả hai đứa nhỏ đều khẳng định nguyên do là sự êm ái quá mức khiến chúng có cảm giác say xe.
Tất nhiên, đó chỉ là cảm giác của những đứa trẻ quen ngồi trong những chiếc xe cỏ rẻ tiền.
Sếp cũ của tôi là một người lớn tuổi. Sau vài ngày được đưa đón bằng chiếc xe BMW 320i đời mới, ông bảo với anh tài xế: “Bác thích cái xe kia (Daewoo Magnus) hơn. Xe này im quá, khó chịu”.
Tất nhiên, đó chỉ là vấn đề cảm xúc cá nhân. Nhưng thực tế là với nhiều người, đôi khi sự ồn ào sẽ giúp họ thoải mái thay vì di chuyển trong một không gian tĩnh lặng. Cảm giác mất phương hướng là có thật.
Chúng ta hẳn cũng đã từng nghe chuyện những bà, những mẹ hay bị say xe thường tỏ ra rất thoải mái khi ngồi trong những chiếc xe “chuồng gà”. Khi nhìn thấy một chiếc xe khách đời mới và kín mít, một cái nhíu mày sẽ xuất hiện trên khuôn mặt không mấy hài lòng.
Tiếng ồn là những loại âm thanh bị cho là tiêu cực. Đặc biệt là với những người bận rộn, những ông chủ hay chỉ đơn giản là ai đó cần tranh thủ nghỉ ngơi trong quá trình di chuyển, họ luôn có nhu cầu một không gian trong xe yên tĩnh.
Nhưng sự yên tĩnh… quá đà như chiếc Rolls-Royce Ghost trước khi được tinh chỉnh thì lại là vấn đề chẳng hay ho gì.
Bởi vậy, với những chiếc xe siêu sang, những dòng xe điện cao cấp, các nhà sản xuất luôn tìm cách đưa âm thanh vào trong xe. Yêu cầu là những âm thanh đó phải đem tới sự thư thái chứ không phải là những tiếng ồn khó chịu.
Tôi luôn rất yêu thích cầm lái những chiếc xe Porsche. Sự yêu thích không hẳn vì đó là những chiếc xe đẹp đẽ, sang trọng cùng khả năng vận hành thể thao đầy phấn khích. Bởi những yếu tố đó tôi cũng hoàn toàn có thể tìm kiếm được ở những dòng xe hiệu suất cao sang trọng khác.
Điều khiến tôi yêu thích cầm lái những chiếc Porsche hơn cả là bởi trong khoang cabin, những âm thanh từ ống xả, động cơ hay đơn giản chỉ là tiếng “trò chuyện” của lốp với mặt đường luôn được đưa vào một cách vô cùng tinh tế. Nó vừa đủ để không gây khó chịu và vừa đủ để luôn giúp người ngồi trong xe cảm nhận được những chuyển động của thể giới bên ngoài.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận