Xe điện - Đã trở thành mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu
Trong những thông báo gần đây của các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu đều xác nhận chuyển đổi hoạt động sang xe điện được các chuyên gia đánh giá phương tiện thân thiện với môi trường này không còn là trào lưu mà đã trở thành mục tiêu hiện hữu với nền công nghiệp ô tô toàn cầu.
- Apple Car hiện thực hoá "giấc mơ" xe điện của Nissan
- Chuẩn mới của hệ thống sạc pin xe điện của Keysight giảm thiểu tác động đến môi trường
- Drako Motors: Siêu xe điện có giá triệu đô vẫn phải “nhái” kiểu dáng của hãng khác
Ngày 18/10, Toyota, Stellantis, Foxconn, Ford và Volvo đồng loạt công bố các kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe điện, hay các kế hoạch huy động vốn cho quá trình chuyển đổi nói trên.
Phần lớn các thông báo này đều thiếu các thông tin như địa điểm nhà máy, và nhiều thông báo còn không cho biết các kế hoạch trên sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm.
Các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đang dần chuyển dịch mô hình trong thời gian tới.
Lý giải việc này, ông Jeff Schuster, lãnh đạo cấp cao của công ty chuyên cung cấp các phân tích dự báo trong ngành ô tô LMC Automotive, cho biết các nhà sản xuất ô tô có “trào lưu” đưa ra những thông báo như vậy, vốn là điều mà các nhà đầu tư muốn nghe. Nhưng ông cũng cho biết các nhà máy theo kế hoạch này là cần thiết, đặc biệt ở Mỹ, nơi năng lực sản xuất pin đang đứng sau châu Âu và Trung Quốc.
Chi nhánh của tập đoàn Toyota ở khu vực Bắc Mỹ ngày 18/10 thông báo công ty này có kế hoạch đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD để phát triển pin ô tô cho thị trường Mỹ và các hoạt động sản xuất ở Mỹ từ nay đến hết năm 2030.
Còn Ford cho biết sẽ đầu tư lên đến 230 triệu bảng Anh (316 triệu USD) để sản xuất phụ tùng ô tô điện tại nhà máy Halewood của Ford ở miền bắc nước Anh. Đây sẽ là cơ sở sản xuất phụ tùng xe điện phục vụ nội bộ đầu tiên của Ford tại châu Âu. Ford đã cam kết rằng từ nay đến năm 2030, các mẫu ô tô mà hãng cung cấp cho thị trường châu Âu sẽ hoàn toàn là xe điện.
Nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng Foxconn của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 18/10 cũng chính thức ra mắt ba mẫu ô tô điện, qua đó trở thành một "người chơi" lớn trên thị trường ô tô điện đang tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu trong bối cảnh Foxconn đang tìm kiếm các công ty mong muốn hợp tác trong lĩnh vực này.
Trong thông báo cùng ngày, nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo Cars sẽ tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết cổ phiếu tại thị trường Thụy Điển vào cuối tháng này, với kỳ vọng huy động được 2,9 tỷ USD và đưa mức định giá của nhà sản xuất ô tô Thụy Điển lên tới 23 tỷ USD.
Volvo Cars có kế hoạch đầy tham vọng là bán ra các sản phẩm ô tô chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030. Công ty Thụy Điển có kế hoạch sử dụng số tiền từ đợt chào bán để bổ sung năng lực sản xuất ô tô của mình, nhằm đáp ứng mục tiêu bán hơn 1,2 triệu xe mỗi năm và xây dựng một nhà máy pin ở châu Âu.
Các thông báo trên được đưa ra sau khi Ford và General Motors trước đó đã công bố các kế hoạch xây dựng năm nhà máy pin ở Mỹ, với dự đoán về xu hướng chuyển đổi sang năng lượng điện.
Các thiết bị nạp sẽ cần được phát triển như các trạm xăng hiện nay.
Ở thời điểm này, các động thái trên đây đang đi trước nhu cầu, nhưng nhiều ý kiến dự đoán rằng tỷ trọng xe điện sẽ tăng mạnh khi nhiều mẫu xe điện chạy pin được tung ra hơn do chính phủ các nước tăng cường các yêu cầu đối với các loại xe không phát thải nhằm chống biến đổi khí hậu.
Theo LMC Automotive, hiện chỉ có khoảng 4,8% trong số gần 80 triệu ô tô mới được bán ra trên toàn cầu là xe chỉ chạy bằng điện. Nhưng công ty tư vấn Alix Partners dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ tăng lên 11% vào năm 2025 và 24% vào năm 2030. Nếu tính cả các dòng xe lai điện và xăng, con số này có thể lên đến 28% trong vòng 10 năm.
Trong khi đó, Alix Partners cũng dự đoán từ này đến năm 2030, tỷ trọng doanh số xe chạy bằng xăng và dầu diesel trên toàn cầu sẽ giảm từ mức 89% hiện tại xuống còn khoảng 39%.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận