Ghép tim thành công cho người đàn ông 37 tuổi ở Quảng Bình
Trái tim của một nam thanh niên 19 tuổi chết não tại Bệnh viện Gia Định (TP HCM) đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế ghép thành công cho bệnh nhân 37 tuổi ở Quảng Bình.
Ca phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, ngày 5/5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân 37 tuổi quê Quảng Bình, bị suy tim giai đoạn cuối đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, trong danh sách chờ ghép tim 4 năm qua. Sau khi nhận được thông tin có người hiến tim, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia rà soát danh sách chờ ghép, tiến hành các xét nghiệm chọn lọc. Kết quả, các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân Quảng Bình tương thích với người hiến tạng. Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia quyết định chuyển trái tim của chàng trai ra Huế để ghép.
Tình cờ lúc này, một đoàn chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế đang có mặt tại TP HCM để chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Họ lập tức lên kế hoạch tiếp nhận trái tim, vận chuyển ra Huế và tiến hành ca phẫu thuật ghép. Nhờ vậy, các khâu nhận, chuyển trái tim được tiến hành rất nhanh thay vì phải chờ một đội y tế từ Huế vào TP HCM tiếp nhận.
Sáng 5/5, trái tim rời khỏi lồng ngực nam thanh niên ở Bệnh viện Gia Định và được máy bay vận chuyển về đến Huế an toàn. Trong thời gian di chuyển trái tim, kíp bác sĩ Trung tâm Tim mạch tại Huế tiến hành mở ngực bệnh nhân 37 tuổi chờ tim về là ghép ngay.
Nhờ chuẩn bị sẵn sàng, chỉ sau 80 phút kể từ khi mở ngực, trái tim mới đã đập trong lồng ngực người nhận ghép. Đến 17h15 phút cùng ngày, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức với các thông số huyết động ổn định. Sáng 7/5, bệnh nhân thở oxy qua mask, chức năng tim hoạt động tốt.
Ca ghép tim lần này được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện trong thời gian ngắn nhất so với các ca mổ ghép tạng khác nhờ nhóm chuyên gia đang có mặt tại TP HCM xử trí nhanh, theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc viện.
Trái tim là một trong những bộ phận cơ thể dễ bị hư hại nhất nếu rời khỏi cơ thể người. Trong kỹ thuật ghép tạng, đối với tim và phổi, thời gian tối đa được bảo quản lạnh kể từ khi tiếp nhận đến khi ghép là khoảng 6 giờ, gan là 12 giờ và thận là 24 giờ. Thời gian bảo quản lạnh càng lâu thì sự thoái hóa của mô tế bào càng nhiều và chức năng hồi phục kém, theo tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo quy trình, khi có người hiến tạng, thông tin sẽ được bệnh viện thông báo cho Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để tìm kiếm người nhận ghép tạng phù hợp. Khi đã xác định được người nhận tạng, nhóm phẫu thuật viên đến nơi có người hiến tạng để tiếp nhận, đánh giá chất lượng tạng ngay trên bàn mổ.
Đồng thời lúc này, người nhận ghép tạng cũng được chuẩn bị, đưa vào phòng mổ. Khi phẫu thuật viên tiếp nhận tạng thông báo chất lượng tạng hiến tốt, nhóm ở nhà bắt đầu mổ đưa tim của bệnh nhân ra, chuẩn bị sẵn sàng đến lúc tạng hiến mang về tới là kịp thời ghép vào ngay. Nếu chậm trễ thời gian, trái tim bị hư hại, đồng nghĩa người đang trên bàn mổ chờ ghép tim sẽ tử vong, thay vì có thể sống thêm vài tháng nếu không ghép.
Kể từ ca ghép tim đầu tiên Việt Nam vào năm 2016, đến nay khoảng gần 100 ca ghép tim thành công tại các trung tâm ghép tạng trên cả nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận