Hơn 36.000 người được tiêm vaccine trong 5 ngày Việt Nam không có ca mắc mới
Tính đến ngày hôm nay (23/3) Việt Nam có tổng cộng 1.601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.
Đội ngũ y, bác sỹ thực hiện tiêm vaccine COVID-19 tư vấn cho người được tiêm vaccine COVID-19 về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm.
Theo bản tin 6h của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tính từ 18 giờ ngày 22/3 đến 6 giờ ngày 23/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.754, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 490; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.620; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.644.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 36 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 17 ca; số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 55 ca. Số ca tử vong là 35 ca. Số ca điều trị khỏi là 2.234 ca.
Trong ngày 22/3, đã có thêm 2.060 người được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tính đến 16 giờ ngày 22/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 36.082 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 23/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 124,28 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 2,73 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 100,25 triệu người. Số ca mắc cần điều trị tích cực là 90.838 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 403.270 ca nhiễm mới, trong đó Brazil có số ca nhiễm mới cao nhất, với 53.386 ca, tiếp sau là Mỹ 44.643 ca, Ấn Độ 40.611 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 22.216 ca,...
Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới 30,57 triệu ca, tiếp sau là Brazil 12,05 triệu ca và Ấn Độ 11,68 triệu ca. Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Pháp, Ba Lan và Italy là 3 nước có số nhiễm mới cao nhất châu lục, lần lượt ở mức 15.792 ca, 14.578 ca và 13.846 ca.
Tại khu vực Nam Mỹ, số ca nhiễm mới tại Brazil cao gấp 9 đến 10 lần so với các nước trong khu vực. Đáng lo ngại, Bộ Y tế Uruguay xác nhận tại nước này đã xuất hiện 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Brazil, trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Y tế Urugay Daniel Salinas cho biết, theo báo cáo của nhóm công tác đa ngành giám sát dịch COVID-19, các chuyên gia y tế nước này đã tiến hành phân tích 175 mẫu xét nghiệm được đưa về từ nhiều nơi trên cả nước và phát hiện trong 24 mẫu có biến thể P1 và 4 mẫu có biến thể P2 đều có nguồn gốc từ Brazil.
Việc phát hiện những biến thể mới được cho là có khả năng lây lan nguy hiểm hơn chủng virus gốc khiến Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các phương án đối phó. Các chuyên gia cho rằng việc các biến thể này xuất hiện trong cộng đồng khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Uruguay là một trong số ít nước Mỹ Latinh kiểm soát khá tốt dịch COVID-19, theo đó đến nay nước này mới chỉ ghi nhận 81.537 ca mắc bệnh, trong đó 792 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong những tuần qua số ca nhiễm mới tăng mạnh - chỉ trong hơn một tuần đã phát hiện hơn 13.000 trường hợp.
Tại châu Phi, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Ethiopia và Kenya. Trong 24 giờ qua, 2 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực, với 1.537 ca nhiễm mới tại Ethiopia và 1.130 ca nhiễm mới tại Kenya. Tổng số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã lên tới 4,14 triệu ca, trong đó Nam Phi chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với tổng số 1,53 triệu ca nhiễm.
Tại châu Á, ngoài điểm nóng dịch bệnh là Ấn Độ, nhiều nước tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca nhiễm tại châu Á đã lên tới 27,08 triệu ca.
Chi tiết 36.082 người được tiêm tại 16 tỉnh/thành phố - Hải Dương: 17.248 người - Hà Nội: 6.545 người - Hải Phòng: 376 người - Hưng Yên: 2.665 người - Bắc Ninh: 2.533 người - Bắc Giang: 2.904 người - Hòa Bình: 887 người - Hà Giang: 176 người - Điện Biên: 244 người - Đà Nẵng: 117 người - Khánh Hòa: 105 người - Gia Lai: 380 người - TP Hồ Chí Minh: 926 người - Bà Rịa Vũng Tàu: 87 người - Bình Dương: 645 người - Long An: 244 người. |
Theo Tạp chí điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận