Kịch bản đại dịch COVID-19 kéo dài 18 tháng của Chính phủ Mỹ như thế nào?
Chính phủ Mỹ được cho là đã lên sẵn kế hoạch ứng phó với kịch bản dịch COVID-19 kéo dài 18 tháng, trong đó có kịch bản hệ thống y tế thiếu hụt nghiêm trọng vật tư, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
- App COVID-19 - Đưa trợ lý y tế ảo đến với mỗi người dân
- Bất chấp COVID-19, tiêu thụ điện 2 tháng đầu năm vẫn tăng 7,5%
- APCERT 2020 - Cuộc diễn tập chống mã độc giữa mùa dịch COVID-19
Kế hoạch ứng phó dịch kéo dài 18 tháng
Gần 2 tháng kể từ khi Mỹ ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, chính phủ liên bang đang lên phương án sẵn sàng đối phó với kịch bản đại dịch kéo dài 18 tháng thậm chí lâu hơn và chia thành nhiều “đợt sóng bùng phát khác nhau”, CNN dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Theo bản báo cáo dài 100 trang mà CNN nắm được, các cơ quan chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng rất khó để dự đoán diễn biến của dịch COVID-19 cũng như mức độ phức tạp của nó. Bản báo cáo là đánh giá nội bộ về mức độ chuẩn bị của chính phủ Mỹ cũng như khả năng huy động toàn bộ nguồn lực của chính phủ liên bang để đối phó cuộc khủng hoảng COVID-19.
Kế hoạch này cảnh báo, chính quyền phải lên sẵn kế hoạch ứng phó kịch bản chuỗi cung ứng và hệ thống vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo theo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa, vật tư cả ở khu vực chính phủ, tư nhân.
Văn bản cũng đề cập đến rủi ro do tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như máy thở, quần áo bảo hộ trong cuộc chiến ứng phó dịch. Việc thiếu hụt này có thể làm gián đoạn khả năng của chính phủ trong việc đạt mục tiêu đề ra.
“Việc thiếu hụt hàng hoá có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hệ thống y tế, các dịch vụ khẩn cấp và cơ sở hạ tầng quan trọng khác”, báo cáo nêu rõ. Báo cáo nói rằng, mặc dù giới khoa học đang gấp rút tìm ra vắc xin phòng ngừa COVID-19, nhưng chính phủ cần sẵn sàng cho tình huống sẽ chưa thể có vắc xin trong một sớm một chiều.
Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng nhanh. Ảnh minh họa: Reuters
Đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc COVID-19, trong đó ít nhất 159 trường hợp đã tử vong. "Đây là một cuộc chiến. Tôi thấy mình trở thành một tổng thống thời chiến. Ý tôi là chúng ta đang chiến đấu. Tình hình rất khó khăn”, Tổng thống Trump nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ngày 18/3.
Để làm chậm đà lây lan của COVID-19, các bang ở Mỹ trong tuần này đã đồng loạt hành động, triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ như đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, cấm tụ tập đông người.
Một số lãnh đạo thành phố ở California, như Thị trưởng San Francisco London Breed, đã kêu gọi người dân ở trong nước, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Lệnh này hiện đã áp dụng với ít nhất 10 triệu người dân ở Mỹ. Gần đây nhất, giới chức hạt Solano cũng khuyến cáo người dân ở trong nhà đến 7/4.
“Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận cuộc khủng hoảng y tế này và cố gắng bảo vệ cộng đồng, đồng thời vẫn đảm bảo các lĩnh vực thiết yếu của địa phương hoạt động bình thường, giảm gánh nặng cho người lao động và doanh nghiệp”, ông Bela Matyas, quan chức thuộc Cơ quan Y tế Cộng đồng hạt Solano, nói.
Hệ thống y tế “gồng mình”
Nhiều bệnh viện ở Mỹ đã rơi vào tình trạng thiếu trang thiết bị y tế khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Một số bệnh viện nói rằng, số thiết bị còn lại của họ hiện chỉ đủ dùng cho vài ngày.
Tại bang Georgia, các bện viện chỉ còn số khẩu trang dự trữ đủ dùng cho 3 ngày, Scott Steiner, Giám đốc điều hành hệ thống y tế Phoebe Putney, cho biết với CNN.
“Chúng tôi đã sử dụng hết số khẩu trang dùng cho 5-6 tháng trong vòng chưa đầy một tuần. Giờ đây, chúng tôi đang phải vật lộn”, ông Scott nói. Quan chức này cho biết, các nhân viên y tế đã tự chế khẩu trang để có thêm nguồn cung.
“Chúng tôi hiện có khoảng 3.000 chiếc kiểu này. Chúng tôi hy vọng có thể làm ra khoảng 200.000 chiếc. Có thể phải mất vài tuần, nhưng đây là việc chúng tôi phải làm bởi chúng tôi không biết khi nào mới được bổ sung thêm khẩu trang”, ông Scott cho biết.
Amy Compton-Phillips, Phó Chủ tịch Tập đoàn y tế Providence St. Joseph Health, đơn vị điều hành hơn 50 bệnh viện ở Mỹ, cho biết ngày 18/3 rằng: “Chúng tôi chỉ còn số trang thiết bị bảo hộ cá nhân đủ dùng cho nửa ngày. Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi, cố tìm thiết bị chúng tôi cần”.
Theo bà Amy, các bệnh viện trong tập đoàn sử dụng khoảng 250.000 khẩu trang mỗi năm, nhưng 3 tháng đầu năm nay, chỉ riêng một bệnh viện đã sử dụng hết lượng khẩu trang đó. “Do vậy, cầu đã vượt xa cung”, bà Amy nói và cho biết thêm các bệnh viện đang phải tự xoay xở để có nguồn cung thiết bị bảo hộ.
Sân bóng ở Shoreline, bang Washington sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến phục vụ cuộc chiến đối phó COVID-19. Ảnh: Getty
Tại hạt King, giới chức địa phương cho biết họ sẽ lập một bệnh viện dã chiến tại một sân bóng để có thêm 200 giường bệnh phục vụ điều trị COVID-19.
“Tình hình diễn biến rất nhanh chóng đòi hỏi phải hành động nhanh chóng, quyết đoán. Chúng tôi đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu giường bệnh trong khu vực và lập các bệnh viện tạm và các cơ sở hạ tầng khác”, thông cáo từ chính quyền thành phố Shoreline, ở Washington cho biết.
Tại Maryland, giới chức y tế đang ra sức bổ sung thêm ít nhất 6.000 giường bệnh. Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết, dịch COVID-19 có thể đạt đỉnh trong 45 ngày tới và bang này cần thêm 110.000 giường bệnh.
“Tôi đang thấy một đợt sóng. Đợt sóng đó sắp phá vỡ hệ thống y tế. Nó giống như một trận sóng thần”, ông Cuomo cảnh báo. Hiện New York đã có khoảng 3.000 máy thở, nhưng ông Cuomo nói rằng con số đó là chưa đủ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất cho biết, họ không thể đáp ứng được nhu cầu máy thở hiện tại. “Nhu cầu hiện lớn hơn năng lực cung cấp của chúng tôi”, Kathrin Elsner, đại diện công ty sản xuất máy thở của tập đoàn sản xuất y tế Hamilton Medical, cho biết. Đại diện này cho biết, họ đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng chỉ trong vài tuần trở lại đây.
Tại các bệnh viện nhỏ với quy mô chỉ khoảng 25 giường bệnh ở các vùng nông thôn của Mỹ, việc điều trị COVID-19 gần như không thể buộc họ phải chuyển các bệnh nhân tới các cơ sở điều trị lớn hơn nếu số ca mắc bệnh tiếp tục tăng.
Theo Dân Trí
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận