Tìm vaccine và thuốc đặc trị Covid 19: Thế giới ngóng chờ.
Để cuộc sống trở lại bình thường thì phải có vaccine và thuốc đặc trị Covid 19. Các quốc gia đều tập trung mọi nguồn lực cần thiết nhằm nhanh chóng có được “vũ khí” kiểm soát, khống chế dịch covid 19.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Ít nhất một năm nữa mới có thể sử dụng vaccine
- Vaccine ngừa corona được Quỹ Bill & Melinda Gates ủng hộ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng
- WHO: Ít nhất 20 vaccine ngừa corona đang được phát triển
Tiến trình bào chế và thử nghiệm vaccine là một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ căn bệnh COVID-19. Ngày 15/3 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết, nơi tập hợp các chương trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Tại Italia, kết quả thử nghiệm vaccine chống COVID-19 đã cho kết quả tích cực khi các thử nghiệm tiền lâm sàng đầu tiên của 5 loại vaccine do công ty Takis của Italy phát triển đã cho những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ và đã tạo ra những kháng thể mạnh.
Giám đốc Takis, ông Luigi Aurisicchio cho biết: “Sau những thí nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã tìm thấy những kháng thể mạnh. Kết quả của mô hình tiền lâm sàng cũng cho thấy kết quả khác nhau của 5 loại vaccine đang được thử nghiệm”.
Cũng theo ông Aurisicchio, tất cả 5 loại vaccine được phát triển để ngăn chặn “vũ khí” chính mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm chiếm các tế bào, đó là protein Spike. Trong số 5 loại vaccine đang được thử nghiệm, có 2 loại hiện đang cho kết quả tích cực.
Tại Anh, giới chức y tế cho biết vaccine phòng SARS-CoV-2 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 23/4.
Ông Hancock cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ đầu tư vào năng lực sản xuất để một khi thử nghiệm thành công sẽ nhanh chóng có đủ vaccine cho người dân Anh.
Tại Đức, Viện Paul-Ehrlich, tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý y tế của Đức thuộc Bộ Y tế nước này thông báo đã cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên với vaccine phòng SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vaccine này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Theo kế hoạch, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine trong vòng 2 tuần nữa để chứng minh khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở người.
Tại Hàn Quốc, theo Yonhap, các nhà khoa học Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng về việc điều trị dự phòng COVID-19 bằng hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét gây tranh cãi vốn được quảng cáo là phương pháp điều trị tiềm năng.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Samsung ở Seoul và Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan ở Busan cho biết họ đã thực hiện Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) bằng cách sử dụng thuốc hydroxychloroquine (HCQ) cho 184 bệnh nhân và 21 nhân viên y tế tại Bệnh viện Chăm sóc dài hạn (LTCH) ở Busan, nơi những người này có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 sau khi các ca lây nhiễm được ghi nhận tăng mạnh tại đây.
Vào cuối 14 ngày cách ly, các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase cơ bản (PCR) tiếp theo trên những người tham gia nghiên cứu đều cho kết quả âm tính, cho thấy những người nhận được áp dụng liệu pháp PEP không phát triển bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn nói rằng điều này không có nghĩa là PEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa COVID-19 vì không có nhóm kiểm soát thích hợp và chỉ mới được tiến hành tại một trung tâm đơn lẻ.
Nhật bản đã lập ra một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học Nhật Bản đứng đầu vừa phát hiện ra 2 chất có thể sử dụng để bào chế thuốc chữa bệnh COVID-19.
Trong công trình nghiên cứu chung có sự tham gia của 25 viện nghiên cứu trong và ngoài Nhật Bản do Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản và Đại học Khoa học Tokyo đồng chủ trì, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm kiếm các chất có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 nhân bản trong khoảng 300 loại thuốc đã được cấp phép ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ.
Họ đã tìm ra Nelfinavir, vốn được sử dụng để điều trị các triệu chứng do AIDS và Cepharanthine, vốn được sử dụng để chữa trị cho các bệnh liên quan tới việc suy giảm của bạch cầu (tế bào máu trắng).
Các phân tích trên máy tính cũng cho thấy nếu bệnh nhân COVID-19 sử dụng 2 chất trên cùng một lúc trong vòng 12 giờ sau khi họ có các triệu chứng nhiễm virus, họ có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 trong khoảng 10 ngày, sớm hơn 5 ngày so với khi không sử dụng các chất này.
Đài truyền hình NHK dẫn lời ông Watashi Koichi, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc NIID, cho biết 2 chất trên đã chứng minh hiệu quả cao trong các thí nghiệm.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất sử dụng các chất này để bào chế thuốc chữa bệnh. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch nghiên cứu lâm sàng để kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của các chất trên.
Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trên động vật, trong đó vaccine đầu tiên do Công ty Công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ) bào chế đã gần hoàn tất quá trình thử nghiệm trên động vật và chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Theo tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận