Ứng dụng đa phương thức trực tuyến trong chẩn đoán và điều trị bệnh
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa chính thức đưa hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) vào phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh cho trẻ em và đào tạo cán bộ y tế tại cơ sở theo hình thức trực tuyến.
- Y tế thông minh - Công cụ hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh
- TP HCM vận hành Trung tâm y tế thông minh đầu tiên tại Việt Nam phòng chống nCoV
- Y tế số 4.0 tạo hệ thống xuyên suốt từ trung ương đến địa phương phòng chống COVID-19
Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương kết nối với 6 điểm cầu để tư vấn, hội chẩn các tình huống, ca bệnh khó trong sáng 29/5. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Trong sáng 29/5, từ Trung tâm điều hành tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã kết nối với 6 điểm cầu để tư vấn, hội chẩn các tình huống, ca bệnh khó như tư vấn chăm sóc trẻ sơ sinh tại phòng đẻ (Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp, Sơn La); siêu âm, tư vấn, hội chẩn và can thiệp tim mạch cho bệnh nhi mắc tim bẩm sinh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh); hội chẩn, phân tích ca bệnh trẻ bị teo thực quản bẩm sinh cùng nhiều bệnh lý phức tạp kèm theo (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ); hội chẩn, tư vấn và phân tích kết quả giải phẫu bệnh từ xa (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh); phân tích tình huống ca vận chuyển cấp cứu (Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam)…
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện đã ấp ủ và thử nghiệm triển khai hệ thống Telemecidine phục vụ hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến từ cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên tại thời điểm đó, hạ tầng đường truyền Internet chưa đảm bảo, chi phí cao đồng thời chưa có hành lang pháp lý nên đành tạm gác lại.
Đến nay, khi Bệnh viện đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về đường truyền, kết nối, nhân lực, đồng thời thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế nên Bệnh viện đã triển khai hệ thống này với mong muốn hỗ trợ bác sĩ tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ các ca bệnh khó, phức tạp từ các bác sĩ đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa, qua đó từng bước cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cơ sở.
Trước đó, ngày 18/4, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Nền tảng này do Viettel phát triển đáp ứng đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh (KCB) từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành, gồm: tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn KCB từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa.
Nền tảng giúp triển khai đồng loạt hệ thống KCB từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh KCB từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng KCB tốt nhất. Nền tảng này đã được khai trương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo Chinhphu.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận