Vắc-xin Pfizer và Moderna được phép tiêm liều tăng cường cho người miễn dịch yếu
Những cơ sở khoa học được hai hãng dược đưa ra cùng với diễn biến dịch COIVD-19 diễn biến phức tạp do biến thể Delta gây ra, FDA đã quyết định cấp phép sử dụng mũi tiêm tăng cường để đảm bảo khả năng miễn dịch.
- Moderna khẳng định mũi thứ 3 sẽ bảo vệ người dân tốt hơn trước các biến thể của SARS-CoV-2
- Vắc-xin Pfizer BioNTech đạt hiệu quả phòng COVID-19 lên đến 10 lần khi tiêm mũi thứ 3
- CEO BioNTech: Vắc-xin vẫn hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 khi tiêm mũi tăng cường
Theo đó, cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ ngày 12/8 đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer Inc và Moderna Inc làm liều tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước, trong đó có Israel và Đức có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm chủng mũi thứ 3 tăng cường để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng dịch bệnh khác do sự lây lan của biến thể Delta.
Hiện các nhà khoa học vẫn có ý kiến chia rẽ về việc mở rộng tiêm mũi thứ 3 tăng cường cho người không có vấn đề về sức khỏe cũng như những lợi ích của mũi vaccine tăng cường này chưa được làm rõ.
Cả hai nhà sản xuất vắc-xin Moderna và Pfizer/BioNTech đều khẳng định về sự gia tăng miễn địch ở những người được tiêm liều tăng cường trong các thử nghiệm của mình.
Trước đó, hãng sản xuất vaccine Pfizer cho biết hiệu quả vaccine phòng chống COVID-19 của hãng giảm dần theo thời gian, từ mức 96% trong 4 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2, giảm còn 84% sau đó.
Moderna cũng cho rằng cần tiêm mũi tăng cường để phòng bệnh, đặc biệt biến thể Delta đã "chọc thủng" hàng rào bảo vệ ở những người đã tiêm chủng vaccine đầy đủ 2 mũi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mỹ cũng công bố quyết định yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên liên bang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhập viện tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Delta.
Quyết định này dự kiến có hiệu lực với khoảng 25.000 nhân viên thuộc Bộ Y tế và Nhân lực - những người có thể tiếp xúc với bệnh nhân và chiếm 1/3 tổng nhân viên của bộ.
Trong vài tuần qua, Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu chiến binh Mỹ cũng đã ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên. Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo toàn bộ nhân viên liên bang cần tham gia tiêm chủng hoặc đối mặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phải tiến hành quy trình xét nghiêm thông thường.
Trong một tuyên bố ngày 12/8, Tổng thống Biden nhấn mạnh lợi ích của việc đeo khẩu trang đối với trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho các em trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh thống đốc các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát như Florida và Texas mới đây đã ra chỉ thị cấm các trường học áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
Trước đó, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị mọi học sinh và nhân viên nhà trường đeo khẩu trang tại trường bất kể tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo báo cáo mới nhất của CDC Mỹ, số ca mắc mới, số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 tại nước này đang tăng ở mức cao chưa từng thấy. Đến nay, có hơn 90% các hạt đang trải qua tình trạng dịch bệnh lây lan, không chỉ tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như ghi nhận trước đây.
Cụ thể, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua đã lên tới 113.000 ca/ngày, tăng gần 24% so với tuần trước đó, trong khi đó, số ca nhập viện điều trị cũng tăng 31%, còn số ca tử vong cũng tăng 452 ca/ngày, tăng 22% so với tuần trước đó.
Về tiêm chủng, đến nay, có 50,3% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ cả 2 mũi vaccine.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận