Vi khuẩn chết người Whitmore lần đầu tiên được tìm thấy ở Hoa Kỳ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố lần đầu tiên tìm thấy vi khuẩn gây ra căn bệnh có khả năng gây tử vong melioidosis (hay bệnh Whitmore) được tìm thấy trên đất Mỹ. Phát hiện này diễn ra trong thời gian New York đang phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế vì bệnh đậu mùa khỉ.
- JNJ-A07 - Hợp chất mới có thể phát triển thành giải pháp điều trị sốt xuất huyết
- Phát hiện kháng thể ngăn chặn cả 4 chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết
- Phát hiện bệnh về gene mới khiến 40% người mắc tử vong
Vi khuẩn melioidosis là một loại vi khuẩn Gram âm (danh pháp khoa học Burkholderia pseudomallei). Chúng chủ yếu được tìm thấy ở Đông Nam Á và miền bắc Australia, nơi thường xuyên có các ca nhiễm Whitmore, mặc dù vi khuẩn này cũng có thể được tìm thấy ở một số khu vực nhất định của Puerto Rico, Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ, miền Trung và Nam Mỹ.
Vi khuẩn B.pseudomallei nhìn qua kính hiển vi (ảnh minh họa).
Trong một năm trung bình, chỉ có khoảng 12 trường hợp mắc bệnh Whitmore ở Hoa Kỳ và hầu như đều liên quan đến việc đi du lịch đến một quốc gia nơi B. pseudomallei phát triển, hoặc tiêu thụ các sản phẩm bị nhiễm bệnh. Vào năm 2021, hai người bị bệnh và hai người khác đã tử vong sau khi sử dụng bình xịt thơm nhập khẩu bị nhiễm vi khuẩn.
Nhưng hiện tại, các quan chức y tế đã phát hiện vi khuẩn trong các mẫu đất và nước được lấy từ vùng Bờ biển Vịnh phía nam Mississippi. CDC đã nêu rõ trong tư vấn sức khỏe rằng một khi đã được hình thành tốt trong đất, B. pseudomallei không thể bị loại bỏ khỏi đất. Các nỗ lực y tế công cộng nên tập trung chủ yếu vào việc xác định vị trí các ca bệnh để có thể đưa ra phương pháp xử lí thích hợp.
CDC đã bắt đầu kiểm tra đất và nước ở Mississippi để tìm B. pseudomallei sau khi phát hiện hai trường hợp mắc bệnh melioidosis xảy ra cách nhau hai năm, vào tháng 7 năm 2020 và tháng 5 năm 2022. Cả hai đều không ra ngoài nước Mỹ trước khi bị nhiễm bệnh. Cả hai bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng phản ứng miễn dịch dữ dội, viêm phổi,... Cả hai đều hồi phục sau khi được điều trị bằng kháng sinh. Xét nghiệm cho thấy cả hai bệnh nhân đều bị nhiễm cùng một chủng B. pseudomallei.
Những xét nghiệm cho thấy chủng vi khuẩn Whitmore trong đất trùng với chủng vi khuẩn mà 2 bệnh nhân trên mắc phải, CDC kết luận rằng chúng có thể đã hiện diện trong khu vực ít nhất từ năm 2020. Mọi người có thể bị nhiễm B. pseudomallei khi vi khuẩn tiếp xúc với vết cắt hở trên da, hít phải hoặc nuốt phải nước bị ô nhiễm
CDC lưu ý việc tiếp xúc với vi khuẩn không phải lúc nào cũng dẫn đến nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, tiểu đường, ung thư, bị tan máu bẩm sinh thalassemia và bệnh gan, thận hoặc phổi có nguy cơ cao bị ốm và tử vong sau khi tiếp xúc. Cũng theo tổ chức này, sử dụng rượu quá nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh melioidosis. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể không có hoặc mức độ nhẹ như sốt, đổi màu da, viêm phổi và áp xe, đến mức độ nặng với viêm não, viêm khớp và huyết áp thấp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Trên toàn thế giới, khoảng 10% đến 50% các trường hợp mắc bệnh melioidosis được chẩn đoán dẫn đến tử vong.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận