Nghiên cứu muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong phòng thí nghiệm. Ảnh: AFP
Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science, nhóm các nhà khoa học tại ĐH California, Berkeley và ĐH Michigan (Mỹ) cho biết họ đã khám phá ra loại kháng thể có thể ngăn chặn virus sốt xuất huyết lây nhiễm vào các tế bào của chuột, mở ra hướng điều trị mới nhiều hứa hẹn cho bệnh này và các bệnh tương tự.
Nhóm các nhà khoa học nói trên đã tìm ra loại kháng thể có tên 2B7 có khả năng chống lại protein NS1 của các virus sốt xuất huyết, ngăn chặn chúng không bám vào tế bào và gây bệnh.
Hiện chưa có vắcxin hay thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. Vì có tới 4 chủng virus sốt xuất huyết khác nhau nên việc tìm ra kháng thể có khả năng kháng lại cả 4 chủng này là mục tiêu của giới nghiên cứu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 8-2020, số ca mắc sốt xuất huyết trong 30 năm qua cao gấp 5 lần so với 30 năm trước đó và đã lan rộng ra 128 quốc gia, với hơn 3 tỉ người sống trong vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Mỗi năm ước tính có khoảng 390 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết, tỉ lệ tử vong trung bình khoảng 2,5-5%. Những biến đổi về khí hậu, xây dựng, môi trường sống, biến động dân cư... khiến cho nguồn truyền bệnh ngày càng đa dạng và khó kiểm soát.
Theo tuoitre.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận