Nhân loại đang trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết để chiến đấu với "kẻ thù chung" COVID-19
Dịch COVID-19 xuất hiện cho thấy một thực tế rằng chưa bao giờ trên toàn thế giới, nhân loại đang trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết để cùng nhau chiến đấu chống lại "kẻ thù chung".
- Các ông lớn công nghệ chung tay chống dịch - Loại bỏ tin giả
- Chủ động sản xuất máy thở Make in Vietnam để chống dịch COVID-19
- Các ông lớn công nghệ Trung Quốc góp sức chống dịch
Tinh thần đoàn kết hiếm thấy
Khi đại dịch hoành hành, thế giới cũng chứng kiến những hình ảnh thể hiện tinh thần đồng lòng, sẻ chia cùng chống "kẻ thù chung" COVID-19. Ở khắp nơi trên thế giới, từ những người nổi tiếng cho tới người dân bình thường, bằng cách này hay cách khác đã và đang góp công, góp sức chung tay cùng các chính phủ ngăn chặn dịch bệnh.
Tinh thần đoàn kết chống dịch đang phát triển rộng khắp thế giới.
Chính tinh thần tương thân, tương ái ấy đã khơi gợi sự nhân văn, lòng quả cảm trong mỗi con người, giúp họ hy sinh những lợi ích cá nhân, khó khăn và cả nguy cơ lây nhiễm rình rập.
Đây cũng là lý do dù dịch COVID-19 có thể “thổi bay” 45 tỷ USD doanh thu trong năm nay, song nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ vẫn quyên góp tiền, thậm chí là chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng thiết yếu, vốn đang trở nên khan hiếm tại nhiều nước.
Như việc “ông vua” hàng hiệu LVMH-tập đoàn mẹ của Louis Vuitton đã quyết định tận dụng dây chuyền sản xuất nước hoa sẵn có cho 3 thương hiệu Christian Dior, Givenchy và Guerlain, để sản xuất 12 tấn nước rửa tay khô, phân phối miễn phí cho các bệnh viện công ở Pháp.
Các tỷ phú, chính trị gia và những người nổi tiếng trên thế giới như tỷ phú Jack Ma, Bill Gates... cùng một loạt ngôi sao trong ngành âm nhạc và điện ảnh cũng nhanh chóng tận dụng tầm ảnh hưởng của mình, quyên góp kinh phí hỗ trợ việc phát triển vaccine phòng virus SARS-CoV-2, mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ việc khám, chữa bệnh.
Hay trước việc đóng cửa trường học khiến 85 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng khi các em không còn được hưởng chương trình dinh dưỡng học đường miễn phí, nhiều tổ chức, trong đó có No Kid Hungry hay Feeding America đã lập ra các website kêu gọi cộng đồng quyên góp nhằm giúp các em nhỏ không bị đứt bữa.
No Kid Hungry còn giúp các gia đình biết cách tìm kiếm những nơi có thực phẩm cứu trợ khi trường học phải đóng cửa, đồng thời cam kết các em nhỏ sẽ được ăn 3 bữa/ngày…
Chính tình người ấm áp, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn đã giúp bức tranh dịch bệnh bớt phần u ám, mang lại niềm tin và sự lạc quan cho các chính phủ và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.
Cắt giảm hàng nghìn tấn khí thải ra môi trường
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo khuyến cáo của giới chức y tế, hàng triệu người đã hạn chế đi lại. Hàng chục nghìn chuyến bay đã bị hủy. Tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, nhiều nhà máy đã dừng hoạt động.
Cũng vì dịch bệnh, nhiều hội nghị, lễ hội, sự kiện giải trí quy mô đều bị đình chỉ. Và vì thế, một lượng lớn khí thải ra môi trường cũng đã được cắt giảm từ việc dừng các hoạt động trên.
COVID-19 đã "quét sạch" 1/4 lượng khí thải tại Trung Quốc.
Ví dụ như tại Trung Quốc, đất nước chịu thiệt hại nặng nề của dịch bệnh với tâm dịch là Vũ Hán, theo ghi nhận từ đợt dịch bệnh này, 25% lượng khí thải đã được cắt giảm.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, tình trạng hạn chế giao thông do dịch bệnh đã đưa đến sự sụt giảm lượng khí thải toàn cầu lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009.
Người đứng đầu Dự án carbon toàn cầu-mạng lưới các nhà khoa học chuyên cung cấp dữ liệu phát thải chuẩn, ông Rob Jackson ngày 3-4 cho biết, lượng khí thải CO2 trong năm nay có thể giảm mạnh nhất, hơn 5% so với năm trước, kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai trong bối cảnh sự bùng phát dịch COVID-19 đang đẩy nền kinh tế thế giới đình trệ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhà khoa học về khí hậu Corinne Le Q tại Đại học East Anglia ở miền Đông nước Anh thì lại cho rằng mức giảm lượng khí thải CO2 này không phải do sự thay đổi cấu trúc nên ngay khi dịch bệnh qua đi, lượng khí thải sẽ tăng trở lại mức như trước đó.
Chính bởi vậy, trong lúc cả thế giới vẫn đang vật lộn với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, mới đây Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các nước không vì những khó khăn trước mắt mà sao nhãng đi cuộc chiến cứu "hành tinh xanh".
Chống biến đổi khí hậu cần được tách bạch và không ngừng nỗ lực. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cảnh báo chúng ta không còn nhiều thời gian nếu muốn ngăn chặn thảm họa khí hậu và 2020 là năm then chốt để ứng phó khẩn cấp tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận