Dấu ấn của GS.TSKH, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc trong ngày toàn thắng 30/4/1975
GS.TSKH, Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc sinh ngày 13 tháng 8 năm 1932, nguyên quán tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng trở thành một nhà khoa học, một chiến sĩ cách mạng trầm lặng, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày cuối mùa xuân luôn là những ngày làm rạo rực con tim những người dân đất Việt. Bởi lẽ trong những ngày này, chúng ta - mỗi người dân được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S không thể nào không nhớ đến những trang lịch sử vẻ vang, chói lọi của cha ông ta vào những ngày cuối tháng 4/1975.
Trở lại với lịch sử đầy đau thương của dân tộc nhưng cũng vô cùng kiêu hãnh và tự hào của mùa xuân năm 1975 khi chúng ta thực hiện cuộc tổng tiến công để giải phóng miền Nam, chúng ta không thể không nhắc đến những con người lịch sử.
Cuộc chiến thần kì của dân tộc ghi dấu bao chiến công cũng là ghi dấu bấy nhiêu những con người đã đóng góp vào chiến công ấy. Một trong những cá nhân tiêu biểu cho sự đóng góp vào chiến thắng lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc không thể không nhắc đến GS.TSKH, siêu điệp viên Nguyễn Đình Ngọc.
Trong bất kì cuộc chiến nào người ta thường hay nhắc đến chiến công của những con người trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường, nhắc đến và ngợi ca những người lính cầm súng nơi trận địa.
Nhưng chắc hẳn ai cũng hiểu rằng để làm nên chiến thắng trong một cuộc chiến nhất là cuộc chiến chống Mỹ - một trong những kẻ thù được coi là vô cùng mạnh với hàng loạt những vũ khí tối tân, tiềm lực quân sự là vô cùng lớn mạnh thì.., không thể không nhắc đến những sự đóng góp, hi sinh thầm lặng của những nhà khoa học, những người lính làm công tác tình báo.
Họ là những người đứng ở phía sau nhưng đóng góp của họ thật vĩ đại. GS.TSKH, Điệp viên Nguyễn Đình Ngọc chính là nhân vật lịch sử với những đóng góp thầm lặng mà vô cùng vĩ đại ấy tôi muốn kể đến ở đây.
Một ngày cuối năm 1947, trong một trận càn của thực dân Pháp, Nguyễn Đình Ngọc cùng người bố và em trai bị bắt và giải đi. Khi ánh mặt trời vừa khuất bóng, một tiếng nổ “roẹt” từ phía mạn cầu Đuống vọng lại, để lại thời khắc bất ngờ nhất, kinh hoàng nhất cùng với lời dặn dò của người cha in đậm trong trí óc của cậu thiếu niên 15:“Con ở lại hãy cố học cho giỏi và giúp người khác học. Dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy”. Nguyễn Đình Ngọc là cậu học trò giỏi nhất trường Chu Văn An thuở ấy, có năng khiếu trời ban về toán học. Đỗ đầu lớp trung học đệ tứ năm học 1949 – 1950. Năm sau đỗ đầu tú tài toàn phần, tiếp tục theo học trường Cao đẳng khoa học Hà Nội.
Tháng 04/1953 khi cơ duyên với cách mạng đến, được ngỏ lời gia nhập Công an Liên khu 4 để làm tình báo, sau một đêm thao thức trăn trở ông đã quyết định đồng ý để trả nợ nước thù nhà. Để xây dựng một “vỏ bọc” chân thật thích hợp hoạt động tình báo, cấp trên Nguyễn Hữu Khiếu dặn dò: “Em phải cố học lên, càng nhiều bằng cấp càng tốt để tạo một vỏ bọc vững chắc trong giới trí thức miền Nam. Em vừa là nhà khoa học kiêm tình báo hoạt động lâu dài trong lòng địch, cung cấp những tin tức quan trọng có tầm chiến dịch, chiến lược.” Thật trùng hợp, nhiệm vụ này hoàn toàn có thể thực hiện song song với nguyện vọng của người cha.
Đầu tháng 11 năm 1955, Nguyễn Đình Ngọc đặt chân đến Thủ đô Paris hoa lệ. Mười năm ở Pháp, ông đã cặm cụi học không ngừng nghỉ và đạt được nhiều bằng cấp hạng ưu.
Đầu năm 1966, GS. Nguyễn Đình Ngọc để vợ và con trai ở lại Paris, một mình về nước thực sự bắt đầu công việc của một điệp viên hoạt động đơn tuyến trong vỏ bọc giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn sau 10 năm du học thành tài.
Trong suốt gần 10 năm (1966 – 1975) hoạt động trong lòng địch, GS Nguyễn Đình Ngọc đã bắt mối với các chính khách cùng tướng tá Mỹ, ngụy để “moi” tin tình báo. Bên cạnh những công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực Tô pô hình học chứng minh ông là một nhà toán học tầm cỡ thì ông còn là người chiến sĩ thầm lặng hoạt động trong lòng địch cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần vào những thắng lợi quan trọng và then chốt của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Những chiến công có tầm chiến lược của điệp viên đơn tuyến Nguyễn Đình Ngọc đó là ông đã báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục miền Nam kịp thời sơ tán an toàn, tránh được một cuộc hành quân càn quét lớn của Mỹ-ngụy vào căn cứ ở “vùng lõm”; báo trước cuộc đảo chính của Lon Nol-Sirik Matak lật đổ Sihanouk và chính phủ mới thân Mỹ sẽ không để yên cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng “nhờ” trên đất Campuchia; báo trước 24 giờ cho Bộ chỉ huy tối cao rằng quân đội Mỹ sẽ không quay trở lại giúp ngụy quyền Sài Gòn khi ta tổng tiến công vào hang ổ cuối cùng của chúng góp phần to lớn cho Đại thắng mùa Xuân 1975...
Nhắc đến GS người ta còn ấn tượng bởi cách sống lập dị của ông. Trong những năm tháng ở Đại học Khoa học Sài Gòn, GS Nguyễn Đình Ngọc luôn ăn mặc xuềnh xoàng và hầu như bốn mùa chỉ xỏ chân vào đôi giày da cao cổ. Phương tiện đi làm việc hằng ngày của ông là chiếc xe đạp “tòng tọc”.
Cả ngày ông ăn có một bữa chiều và khi ngủ, ông không nằm giường mà nằm trên những tờ báo được trải ở sàn nhà trong một căn hộ nhỏ lèn toàn sách chuyên môn... Bởi thế, các đồng nghiệp ở trường mới đặt cho ông cái hỗn danh “giáo sư lập dị”. Nhưng chính lối sống ấy là cái vỏ bọc hoàn hảo để GS hoàn thành nhiệm vụ cao cả của một người lính tình báo.
Một lần, vào đầu tháng 9-1969, trong một cuộc họp của Hội đồng Khoa Toán, giáo sư bỗng nhiên bộc lộ chính kiến của mình. Trong những ngày đó, đài báo trong nước và thế giới đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm nặng và qua đời, có tờ báo của ngụy quyền Sài Gòn là tờ Tiếng Dân còn dành hẳn mấy trang chuyên đề để viết cho “Người vừa nằm xuống”.
Hôm đó, theo lệ thường, ông trưởng khoa sẽ có mấy lời mở đầu để các thầy cùng bàn việc chuyên môn. Bỗng dưng, một người nhỏ nhắn, gương mặt trắng trẻo, thanh tú đứng dậy trịnh trọng lên tiếng trước: “Hôm nay, một vĩ nhân vừa từ trần, tôi đề nghị mọi người dành một phút mặc niệm!”. Cả phòng họp thoáng chút ngỡ ngàng, rồi không ai bảo ai đều đứng dậy, cúi đầu. Sau phút mặc niệm, mọi người ngồi xuống và nhìn về phía người vừa phát ra cái “mệnh lệnh” ấy: GS Nguyễn Đình Ngọc.
Câu chuyện sau đó lan ra toàn trường với những bàn tán và tranh luận khá rôm rả. GS Ngọc giờ mới tỏ rõ là người có khuynh hướng thiên tả! Lễ mặc niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm dư luận dậy sóng, cơ quan an ninh của ngụy quyền Sài Gòn đặt thêm dấu hỏi về con người thật của ông nhưng với bản lĩnh của người lính tình báo ông vẫn tiến hành các công việc thường nhật như cũ, đều đặn lên lớp hoặc đi thỉnh giảng ở các trường đại học phía Nam và vẫn tiếp tục làm tình báo cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho quân ta.
Sau 30-4-1975, ông tiếp tục đóng vai một trí thức lưu dung, cũng đi học tập chính trị như nhiều trí thức chế độ cũ. Đến năm 1977 những giấy tờ chính thức về công tác bí mật của ông được gửi đến trường ĐH Khoa học, tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc mới được trở về đúng với con người thật của mình. Rất nhiều đồng nghiệp, học trò, cả những người thầm thương trộm nhớ anh tiến sĩ lập dị ngày nào nay sững sờ thấy ông trong bộ đồ bộ đội.
Hòa bình thật sự rồi, nhưng với ông cuộc chiến vẫn chưa hề chấm dứt, lần này là cuộc chiến với một kẻ thù khác, đó là sự lạc hậu về công nghệ thông tin. Vỏ bọc của một chiến sĩ điệp báo là một nhà khoa học, nhưng khi là một nhà khoa học, Nguyễn Đình Ngọc là một nhà khoa học thật sự.
Cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Ngọc đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục Khoa học viễn thông tin học - Bộ Công an; Phó ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin; Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam...
Lịch sử đã qua đi nhưng những gì lịch sử để lại sẽ trường tồn mãi với thời gian. Và đặc biệt những con người của lịch sử thì dù thời gian có bao lâu thì chúng ta cũng không bao giờ có thể quên được những đóng góp của họ.
Như Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc- người đã dành trọn cuộc đời làm theo lời cha dặn lấy việc học làm gốc, lấy tri thức làm nền tảng để diệt giặc dốt đồng thời đuổi giặc ngoại xâm chính là tấm gương lịch sử sống mãi.
Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã để lại cho chúng ta một chân lí: tri thức là lẽ sống, chỉ có tri thức mới cho ta sống đúng và sống đẹp. Trong những ngày lịch sử này nhắc đến GS chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và cũng là lời tự nhắc mỗi chúng ta hãy học và dùng những gì chúng ta học được để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận