Hoàn thiện Luật sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo
Ngày 12/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ KH&CN phối hợp Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” tại khu vực phía Nam.
- Sở hữu trí tuệ nên là nền tảng của sản phẩm Make in Vietnam
- AI đầu tiên trên thế giới nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tại châu Âu
Tham dự Hội thảo có trên 100 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Hội thảo được sự hỗ trợ của Dự án phát triển lĩnh vực tài chính và sở hữu trí tuệ tại Đông Nam Á (FSIP) do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT lần này có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như hướng tới một chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết.
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ban hành lần đầu năm 2005, đến nay đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và năm 2019.
Luật SHTT đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ góp phần hoàn thiện thêm một bước hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.
Mục tiêu sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Theo ông Sam Wood - Phó Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo này cho thấy cam kết của Việt Nam trong sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đồng thời góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực này. Thông qua Dự án FSIP, các thông lệ tốt nhất của Vương quốc Anh về sở hữu trí tuệ đã được chia sẻ rộng rãi với các bên liên quan của Việt Nam. Hai bên đang tăng cường hợp tác, đảm bảo sở hữu trí tuệ đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tin tưởng mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam - Anh sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng.
Tại Hội thảo, chuyên gia từ các bộ ngành và đại biểu đã thuyết minh, trao đổi các nội dung dự kiến được sửa đổi trong dự án Luật, bao gồm 3 nhóm vấn đề trong các lĩnh vực: sở hữu công nghiệp; lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; lĩnh vực giống cây trồng. Các ý kiến được trao đổi nhằm làm rõ vấn đề chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành lần đầu năm 2005, đến nay đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung (năm 2009 và 2019). Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật đã phát huy vào trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân.
Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận