Hưng Yên phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0
Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0 được xây dựng, phát triển bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số hướng tới xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.
- Hưng Yên: Văn Lâm dẫn đầu "cuộc đua" xây dựng chính quyền điện tử
- Tình hình triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam
- Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hưng Yên vừa mới được bổ nhiệm
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, giám đốc Sở TTTT Hưng Yên Bùi Văn Sỹ cho biết" Việc xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Chính quyền điện tử chưa đầy đủ; việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh còn chậm so với lộ trình đề ra; nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT còn thiếu; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nguồn lực bố trí xây dựng Chính quyền điện tử còn hạn hẹp; việc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện các nhiệm vứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, dẫn đến việc đầu tư còn chồng chéo, chưa tận dụng hết khả năng hiện có của hệ thống".
Hết năm 2020, tỉnh Hưng Yên cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 1547 thủ tục hành chính thuộc quyền giải quyết của tỉnh đã công bố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hướng đến liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp
Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0 đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng ký quyết định 672/QĐ-UBND ban hành ngày 03/03/2021. Đây là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh đưa ra các quyết định đầu tư triển khai Chính quyền điện tử chính xác, kịp thời; tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, tránh trùng lặp, tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh Hưng Yên; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều khiện thực tế tại tỉnh Hưng Yên; tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh Hưng Yên.
Ưu tiên triển khai hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4, hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hưng Yên. Tập trung xây dựng Chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 100% thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 40% trở lên; thực hiện đồng bộ các giải pháp về ứng dụng CNTT góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par index) của tỉnh.
Phát triển nền tảng ưu tiên kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các bộ ngành, địa phương khác đối với dữ liệu đã có, đã được thu thập và được phép khai thác. Đặc biệt trong Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0 nêu rõ việc ưu tiên phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu của tỉnh và chuyển đổi dữ liệu sang dữ liệu số đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và liên thông giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh kết nối với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của Quốc gia.
An toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân được ưu tiên hàng đầu
Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0 được cập nhật theo các tiêu chuẩn mở, phù hợp với nền tảng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam. Xây dựng, phát triển, ứng dụng đồng bộ Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0 tại các cơ quan nhà nước trong tỉnh sẽ thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, doanh nghiệp, địa phương theo định hướng của Đề án Chuyển đổi số Quốc gia.
Những điểm mới của Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0: Cập nhật các nội dung về định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển của tỉnh, các mục tiêu, định hướng phát triển Chính quyền điện tử giai đoạn 2021-2025; cập nhật các nội dung Kiến trúc thành phần bảo đảm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 trên có sở các mô hình tham chiếu được quy định trong Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;
Các thành phần chi tiết trong Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0, gồm: Nguời sử dụng; kênh giao tiếp; kỹ thuật - công nghệ; an toàn thông tin; chỉ đạo, chính sách.
Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0 thể hiện rõ 05 mô hình kiến trúc cụ thể gồm: Kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc kỹ thuật công nghệ, kiến trúc an toàn thông tin; cập nhật các nội dung về cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ rõ các đối tượng cần triển khai để cập nhật; cập nhật danh sách các nhiệm vụ xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; nêu rõ tên các loại cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin cần xây dựng cụ thể.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng giao các Sở, ban, ngành, địa phương chủ trì tham mưu, đề xuất xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề cương và dự toán chi tiết, kế hoạch thuê đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên, đảm bảo đồng bộ với Chính Phủ và thống nhất 3 cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, đến xã.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận