Thái Bình: 398 dịch vụ công mức độ 4 được triển khai từ năm 2020
Thực hiện kế hoạch ứng dụng Cổng dịch vụ Công quốc gia, UBND tỉnh Thái Bình sẽ áp dụng 398 dịch vụ công ở mức độ 4 trong năm 2020 và hoàn thiện các thức vận hành trong những năm tiếp theo.
- Thái Bình: Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra tiến độ tại dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A.
- Tân Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình vừa mới được chuẩn y là ai?
- Chủ tịch Hà Nội: Chọn Nhật Cường xây dựng phần mềm dịch vụ công vì... không ai làm!
Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1513/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trong năm 2020 và những năm tiếp theo tại tỉnh Thái Bình.
Theo Quyết định, có 947 Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trong năm 2020 và những năm tiếp theo tại tỉnh Thái Bình, trong đó có 398 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp UBND huyện, thành phố xây dựng quy trình thực hiện chi tiết đối với từng thủ tục hành chính theo ngành, lĩnh vực quản lý; phối hợp Sở TT&TT và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 gửi Sở TT&TT tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh Thái Bình đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ quy định cho các địa phương tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 838/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 của tỉnh Thái Bình.
Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh Thái Bình đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước các cấp được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thái Bình.
100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
Cùng với đó là 100% cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh Thái Bình thực hiện chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp qua hệ thống Mạng Văn phòng điện tử liên thông của tỉnh; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử được ký số; tối thiểu 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quan trọng dùng chung của tỉnh để công khai cho người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận