Bộ Công Thương: Giảm 10% đối với bậc thang giá điện từ dưới 50kWh đến dưới 200-300kWh
Chính sách giảm giá trên theo đánh giá của Bộ Công Thương đối với những bậc thang giá điện đến 300 kWh là những hộ lao động, viên chức và công chức chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID.
- EVN nghiên cứu miễn/giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng
- Sau lùm xùm về giá điện: EVN nghiên cứu cái tiến biểu giá điện mới
- Cơ cấu biểu giá điện mới có làm tăng chi phí khi sử dụng?
Ngày 1/4, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 22/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ 1/4 đến 1/7) để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra phương án giảm 10% đối với giá điện sinh hoạt bậc thang từ ngày 1/4 (dưới 50 kWh đến 200-300 kWh). Đây là những hộ lao động, viên chức và công nhân bị ảnh hưởng với số tiền ước tính hỗ trợ cho trường hợp này là khoảng 2.930 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương thì các bậc thang trên là những hộ chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19.
Đối với các bậc cao trên 300 kWh, bộ đề xuất giữ nguyên giá điện vì khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm 10% giá điện đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh và dự kiến tổng số tiền hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đối với khách hàng du lịch, cơ sở lưu trú, Bộ đề xuất điều chỉnh giá điện từ đối tượng khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá hộ sản xuất. Dự kiến số tiền hỗ trợ khoảng 1.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly. Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng.
Như vậy, theo phương án giảm giá do Bộ Công Thương đề xuất, doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2020 sẽ giảm gần 11.000 tỷ đồng (nếu phương án này được áp dụng trong 3 tháng).
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo và đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm: tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN và tại Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo EVN tính toán lại chi phí mua điện năm 2020 đặc biệt chi phí mua điện 10 tháng cuối năm với các thông số đầu vào cập nhật như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo…
Cũng tại báo cáo số 22/BC-BCT này, Bộ Công Thương đã dẫn đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc này.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ quy định khung giờ cao điểm bán điện từ 9h30-11h30, thu hẹp bậc thang biểu tính giá điện và trước mắt nghiên cứu giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10/2020; áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở kinh doanh khác.
Với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng, khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp là gần 20 nghìn tỷ đồng, tương ứng với giảm doanh thu rất lớn của EVN.
Phương án giảm 50% giá điện giờ cao điểm cũng có thể dẫn đến việc không khuyến khích tiết kiệm điện vào giờ cao điểm trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Một nhược điểm nữa là trong số 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất thì có tới 1 triệu khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca trong giờ hành chính.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhận định, nếu chỉ giảm giá vào giờ cao điểm thì các doanh nghiệp nhỏ này cũng không được hưởng sự hỗ trợ của việc điều chỉnh này...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận