Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo tiến độ dự án nhà ở hình thành trong tương lai trên cả nước
Trước diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) liên tiếp ghi nhận các dự án chậm tiến độ ảnh hưởng tới lợi ích người mua nhà dù điều này đã được Luật pháp quy định, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương giám sát và báo cáo tiến độ hiện nay để cập nhật vào thủ tục hành chính của cơ quan này trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
- Dân số Việt Nam không có nhà ở giảm 10 lần sau 10 năm
- 'Xu hướng tăng giá nhà ở đã bắt đầu'?
- Hà Nội: Siết quy định mua bán, đầu tư, cho thuê nhà ở xã hội
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát dự án nhà ở hình thành trong tương lai (xây theo tiến độ) và gửi báo cáo, kiến nghị, đề xuất liên quan về Bộ trước ngày 15/6/2021.
Hình thức kinh doanh nhà hình thành trong tương lai đã được Luật Kinh doanh BĐS cho phép và triển khai, kể từ năm 2006 đến nay là hơn 10 năm.
Các dự án BĐS ở Việt Nam được các chuyên gia đánh giá có mức giá "chỉ tăng mà không giảm".
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có một số sai phạm phổ biến về phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp... gây tranh chấp, đẩy rủi ro cho khách mua nhà và ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS.
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương công bố thông tin BĐS, nhà ở xây theo tiến độ. Yêu cầu của Bộ Xây dựng nhằm phục vụ cho thủ tục hành chính "Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua" trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, nghị định số 99/2015/NĐ-CP, nghị định 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Các quy định được Bộ Xây dựng lưu ý gồm: điều kiện khi đưa BĐS hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định và việc thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê loại hình này.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định về việc thế chấp, điều kiện thế chấp với dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai và quy định về giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, vẫn có một số sai phạm khi các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai. Đầu tiên phải kể đến việc chủ đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng. Việc thanh toán trong hoạt động kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai giữa khách hàng với nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo đó "chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng theo đúng mục đích đã cam kết". Do đó, hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết là bị cấm.
Trong khi đó thì các dự án nhà ở hình thành trong tương lai lại luôn là điểm nóng về tiến độ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người mua nhà.
Tuy nhiên trên thực tế phát sinh ra nhiều trường hợp nhà đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng nhằm thực hiện sai mục đích ban đầu như: không tiếp tục tiến hành dự án xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai như ban đầu mà đưa nguồn vốn đó vào hoạt động kinh doanh khác, hoặc lừa đảo chiếm dụng nguồn vốn của khách hàng...
Thêm một vấn đề nữa cần cảnh báo là chất lượng của nhà ở hình thành trong tương lai được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng không đảm bảo như thoả thuận ban đầu. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng vẫn tiến hành mở bán.
Theo quy định của pháp luật, việc mở bán nhà ở hình thành trong tương lai cần phải thoả mãn những điều kiện nhất định, nhưng trên thực tế, khi chưa đẩy đủ điều kiện đó thì có nhà đầu tư đã mở bán dự án.
Chậm tiến độ bàn giao nhà cũng là một sai phạm các chủ đầu tư hay mắc. Đây là trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà chậm so với thoả thuận ban đầu của các bên.
Khách hàng có thể đã thanh toán xong nghĩa vụ tài chính của mình cho chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, gây hoang mang và bức xúc cho khách hàng.
Dưới góc độ pháp lý, các luật sư nhận xét, soạn thảo hợp đồng trong hoạt động kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai thường là hợp đồng theo mẫu do chủ đầu tư tự soạn thảo, sau đó mới đưa cho khách hàng ký kết. Các điều khoản trong hợp đồng này có thể gây ra bất lợi cho khách hàng.
Hơn nữa, trong quá trình soạn thảo hợp đồng theo mẫu về nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư sẽ tự soạn thảo ra những điều khoản mà giúp cho chủ đầu tư xa rời trách nhiệm và khó quy kết trách nhiệm cho chủ đầu tư và hạn chế quyền lợi của khách hàng...
Về phía khách hàng, các luật sư cũng cảnh báo về số "lỗi" như chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Hành vi này có thể do khách hàng không mong muốn khi mà khả năng tài chính hiện tại của họ không đủ đáp ứng với quy trình thanh toán nghĩa vụ của mình. Nhiều khách hàng không tính toán được nghĩa vụ thanh toán lâu dài dẫn đến tình trạng đến thời hạn mà không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình.
Cũng có trường hợp, khách hàng cố tình thực hiện chậm nghĩa vụ thanh toán để nghe ngóng sự biến động giá cả của nhà ở hình thành trong tương lai, để quyết định có hay không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Lại có trường hợp, khách hàng bán trao tay hợp đồng nhà ở hình thành trong tương lai cho nhiều đối tượng. Nhiều khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai vì mục đích kinh doanh, nên khi giá cả của nhà ở hình thành trong tương lai ở thời điểm hiện tại cao hơn so với thời điểm họ xác lập, họ sẵn sàng trao tay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận