Chuyển đổi số sẽ mang lại 1,1% tăng trưởng GDP cho Việt Nam
Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam và cũng đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa bởi chuyển đổi số chính là chìa khóa để xây dựng kinh tế số vì "một Việt Nam hùng cường".Chuyển đổi số sẽ mang lại 1,1% tăng trưởng GDP cho Việt Nam
- Chuyển đổi số Việt Nam: Cơ hội không ít - Thách thức rất nhiều
- Chuyển đổi số Việt Nam cần hướng tới phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ
- Các ông lớn ICT 'bắt tay' lập liên minh Chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ' Việt Nam hùng cường'
Việt Nam cần tận dụng tốt nhất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển bứt phá, xây dựng xã hội số, phát triển mạnh kinh tế số, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 đạt khoảng 102 triệu đồng/lao động (tăng 5,93% so với năm 2017). Tính chung giai đoạn 10 năm (từ năm 2007-2016), Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (tăng bình quân hơn 4%/năm).
Tuy nhiên, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Với sự phát triển nhanh chóng của quá trình chuyển đổi số, Việt Nam đang có cơ hội để vươn lên và nâng cao hơn nữa năng suất lao động.
Ba yếu tố góp phần tăng năng suất lao động gồm: Đầu tư trang thiết bị máy móc, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vật chất, nhân lực vốn có và thay đổi phương thức sản xuất. Quá trình chuyển đổi số là sự chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất số với sự ứng dụng công nghệ số, mối quan hệ số… để tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn cho sản xuất.
Nhờ chuyển đổi số, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng lên 8-10% (vượt qua mức 5-6%). Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Cần sử dụng công nghệ nhiều hơn, nhất là công nghệ mới, công nghệ số để giải quyết các bài toán của mọi ngành nhằm nâng cao nâng suất lao động.
Ông Lim Choon Teck, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ HP Việt Nam dự đoán: Đến năm 2030, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đóng góp 62,1 tỷ USD vào GDP Việt Nam, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước đạt 16%. Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2017 cho biết, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam vào khoảng 15%, đến năm 2020 con số này dự kiến là 21%.
Theo kết quả điều tra của Công ty Tư vấn McKinsey (được thực hiện tại 2.000 doanh nghiệp trên thế giới), với nỗ lực chuyển đổi số, một doanh nghiệp điển hình có thể tăng doanh số thêm 11,2%, tăng lợi nhuận trước thuế và lãi đạt trên 7%. Rõ ràng chuyển đổi số mang lại những thay đổi to lớn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả vận hành trong sản xuất, dịch vụ thương mại và dịch vụ công, giúp minh bạch hơn trong mọi lĩnh vực. Phó Giáo Sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore chia sẻ: Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn ra cơ hội kết nối toàn cầu, từ đó có phương án đầu tư sản xuất các sản phẩm theo thế mạnh riêng.
Các doanh nghiệp chuyển đổi số lưu ý tiếp cận với khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, số hóa các sản phẩm và dịch vụ của mình, gắn kết với các sản phẩm truyền thống hiện tại, tự động hóa quy trình sản xuất hiệu quả. Số hóa về mặt tư duy để có cái nhìn tổng thể quá trình kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả sản xuất ngày càng cao và sự phát triển doanh thu mạnh hơn.
Chuyển đổi số cần những chính sách "dài hơi"
Để kinh tế số thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam cần sự dẫn dắt của Chính phủ và một chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia trình Thủ tướng trong năm 2019.
Đề án cần xác định rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên cả nước trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời, đề án cần chỉ ra nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong việc xây dựng nền kinh tế số, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng cách tiếp cận “sandbox”. Sandbox được hiểu là khung pháp lý thử nghiệm trong một khoảng thời gian giới hạn để các mô hình công nghệ mới có thể hoạt động, được bảo vệ và phát triển. Áp dụng sandbox đối với những cái mới khi không biết quản lý cái mới thế nào thì cho cái mới được phát triển trong một không gian, thời gian nhất định.
Khi đó, các vấn đề của cái mới sẽ được bộc lộ một cách rõ ràng, từ đó cơ quan quản lý hình thành chính sách, quy định quản lý phù hợp cho những vấn đề mới chưa có tiền lệ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), 3 lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất tại Việt Nam gồm: Công nghệ thông tin với mức độ sẵn sàng lên đến 77,3%. Tiếp đến là lĩnh vực tài chính, ngân hàng (69,3%) và thương mại điện tử (65,5%). Để phát triển kinh tế số, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển Fintech (Financial technology: công nghệ trong tài chính).
Từ năm 2008 đến nay, Fintech phát triển nhanh và mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức, mô hình kinh doanh, cũng như tác động đến hành vi của các chủ thể tham gia thị trường (khách hàng, các nhà cung ứng dịch vụ khách hàng, các công ty cung cấp các dịch vụ bổ trợ, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan).
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, đối với việc phát triển Fintech, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những chính sách cụ thể, riêng biệt để thúc đẩy hình thái này nhằm tạo bước tăng trưởng đột phá. Việt Nam có tiềm năng phát triển Fintech rất lớn.
Số lượng các công ty Fintech tăng nhanh chóng và trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Dự báo giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Khi góp ý cho Đề án Chuyển đổi số quốc gia, các chuyên gia công nghệ cho rằng, khung pháp lý thử nghiệm Sandbox phải được triển khai thử nghiệm thành công trong quá trình xây dựng Đề án chuyển đổi số để có thể đem đến những lợi ích thiết thực cho người dân trong nền kinh tế số.
Không chỉ tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, khung pháp lý thử nghiệm Sandbox trong một thời gian giới hạn, còn giúp các doanh nghiệp Fintech nói riêng, các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung có thể yên tâm thử nghiệm nhiều công nghệ mới, góp phần phát triển nền kinh tế số.
Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng khẳng định: Để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số với tài chính, ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành ngay khung pháp lý về chuyển đổi số riêng với ngân hàng số, ví điện tử, cổng thanh toán số… Để làm được việc đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các ngân hàng được thử nghiệm Sandbox.
Kinh tế số là một xu thế toàn cầu của thời đại công nghệ 4.0, là cơ hội và cũng là thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ, cho phép thử nghiệm các công nghệ, mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận sandbox, cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.
Những "đặc khu công nghệ", "đặc khu đổi mới sáng tạo" với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét. Kỷ nguyên số sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ và Việt Nam muốn phát triển kinh tế số thì cần phải đầu tư để chuyển đổi, mà sự chuyển đổi lớn nhất là chuyển đổi số để xây dựng kinh tế số, xã hội số giúp Việt Nam vươn tầm với các quốc gia công nghệ phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận