Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Tạm đình chỉ 20 phi công người Pakistan
Trước yêu cầu rà soát về số lượng phi công có quốc tịch Pakistan và được quốc gia này cấp bằng của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện chỉ đạo và tạm đình chỉ bay đối với 20 phi công của các hãng hàng không ở Việt Nam.
- Bộ GTVT yêu cầu rà soát các phi công làm việc tại Việt Nam có bằng do Pakistan cấp
- Lo ngại phi công quên kỹ năng lái máy bay vì nghỉ việc quá lâu do COVID-19
- Tạm thu bằng lái 2 phi công, đình chỉ phi hành đoàn máy bay Vietjet trượt đường băng
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục đã rà soát và tạm đình chỉ (dừng bay) tất cả phi công Pakistan đang làm việc tại một số hãng hàng không Việt Nam.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng.
“Hiện có gần 20 người bị tạm đình chỉ, tất cả đều là phi công có quốc tịch Pakistan và được cấp bằng tại nước này. Những phi công này đang làm việc tại một số hãng hàng không ở Việt Nam”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin thêm, không có trường hợp phi công lấy chứng chỉ từ Pakistan là công dân nước khác. Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang đợi kết quả rà soát từ nhà chức trách hàng không Pakistan để xác định xem gần 20 người này có ai sử dụng bằng giả hay không. Các trường hợp có bằng lái hợp pháp sẽ được tiếp tục bay trở lại.
Hiện nay, số phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng bay trong nước (Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways) lên tới cả nghìn người.
Trao đổi với chúng tôi về quy trình tuyển chọn phi công nước ngoài làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, phi công học ở nước nào thì phải thi lấy chứng chỉ và bằng tại nước đó.
Cụ thể, khi phi công nước ngoài sang Việt Nam làm việc thì phải có công đoạn chuyển bằng của phi công đó sang bằng Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển đổi bằng này sang bằng được Việt Nam công nhận thì các phi công này phải trải qua quá trình sát hạch của Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu rà soát lại toàn bộ phi công người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nhà chức trách hàng không Pakistan cấp bằng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát lực lượng phi công nước ngoài đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam sau khi có thông tin nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công Pakistan dùng bằng lái máy bay giả mạo.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.
Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ; Rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo. Kết quả rà soát phải được báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 31/7.
Ngày 26/6, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan thông báo, cơ quan hàng không dân dụng nước này đã quyết định cấm bay đối với 262 phi công bị nghi ngờ gian lận trong các cuộc thi năng lực bay, sau một vụ điều tra gây quan ngại toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Khan, nhà chức trách Pakistan đã tiến hành điều tra sự cấu kết giữa các phi công và giới chức hàng không dân sự nước này trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay.
Ông cho hay toàn bộ phi công bị cấm bay đã có từ 1 loại chứng chỉ bay trở lên do người khác thi hộ, thậm chí cá biệt có những trường hợp là toàn bộ 8 loại chứng chỉ.
Quyết định điều tra được đưa ra sau khi một báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay ở Karachi hồi tháng trước cho biết, các phi công đã không tuân thủ quy định bay tiêu chuẩn và phớt lờ cảnh báo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận