Đột phá, cách mạng trong thực hiện Nghị quyết 57
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các lĩnh vực TT&TT cần đột phá, cách mạng trong thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW.
Ngày 8/1/2025, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị chuyên đề phổ biến Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị và phổ biến tinh thần Nghị quyết tới lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Cùng tham dự hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Phan Tâm, Bùi Hoàng Phương.
Một nghị quyết quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong nhiều năm
Mở đầu hội nghị phổ biến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần hiểu tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW bởi đây là một nghị quyết quan trọng, không chỉ cho giai đoạn phát triển 5 năm mà còn cho nhiều năm.
Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời trong bối cảnh đất nước cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo ra đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: KH-CN, ĐMST là yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Trong đó, KH-CN là nền tảng, tạo ra tri thức, công cụ. ĐMST là động lực, chuyển hoá tri thức, công cụ thành ý tưởng, giải pháp. CĐS là hiện thực hoá ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập tạo ra những giá trị thiết thực.
“Bộ ba KH-CN, ĐMST và CĐS là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Bộ ba này phải đi cùng nhau và lần đầu tiên đi cùng nhau trong một nghị quyết”.
Tiếp theo, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những điểm quan trọng và mới của Nghị quyết. Đó là KH-CN, ĐMST, và CĐS là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cần có những giải pháp, mang tính đột phá, cách mạng. Người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và là động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Nghị quyết cũng nêu quan điểm chỉ đạo gồm thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích ĐMST, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS; Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu KH-CN tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế…
Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2030 và đến năm 2045.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Tầm nhìn đến năm 2045, KH-CN, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST, CĐS.
Bộ trưởng cũng nêu rõ những điểm mới của phần nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết. Trong đó, phải nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS, phát triển KH-CN, ĐMST, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện.
Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Khoán 10" trong lĩnh vực KH-CN, ĐMST và CĐS
Trước những phổ biến chung và trao đổi chuyên sâu gắn với thực tiễn phát triển của ngành TT&TT của người đứng đầu ngành TT&TT, lãnh đạo các đơn vị, các đại biểu tham dự hội nghị đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng về việc thực hiện Nghị quyết trong các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT.
Trước câu hỏi về Nghị quyết 57-NQ/TW có giống như khoán 10, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã phân tích những điểm chung và khác.
Theo Bộ trưởng, khoán 10 ra đời vào thời kỳ đất nước không có đủ gạo ăn. Sau khoán 10, đất nước đã có đủ gạo ăn, rồi đến thừa, xuất khẩu. Sau xuất khẩu, nước ta lại xuất khẩu lớn, đứng vị trí thứ nhất, thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời cũng mong muốn để vượt qua những thách thức, tồn tại như thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách về KH-CN, ĐMST, và CĐS chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, ĐMST chưa có bước đột phá, chưa làm chủ công nghệ cốt lõi, tốc độ và sự bứt phá về KH-CN, ĐMST và CĐS chưa có bước đột phá, chưa có thứ hạng cao… Nghị quyết ra đời với mong muốn tạo sự chuyển biến từ chỗ thiếu đến chỗ đủ, rồi đến thừa thì xuất khẩu rồi hướng tới xuất khẩu lớn.
“Việt Nam phải nỗ lực xuất khẩu công nghệ vượt xuất khẩu nông nghiệp thì mới trở thành nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.
Nghị quyết 57-NQ/TW cũng có thể được ví như một “khoán 10” mới trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS, trong đó việc tập trung nghiên cứu khoa học, CĐS phải chú trọng tới kết quả, lợi ích mang lại cuối cùng của công việc thay vì phải làm quá nhiều thủ tục, giấy tờ rườm rà.
Bộ trưởng phân tích câu chuyện nghiên cứu khoa học hay CĐS chậm trễ là bởi thủ tục đầu tư mua sắm mà chưa chú trọng đến đối tác tốt để góp phần phát triển.
Nghị quyết 57-NQ/TW có mục tiêu là đưa kết quả từ nghiên cứu chuyển hoá thành công nghệ, kinh doanh, góp vốn, giúp nhà nghiên cứu khoa học có thể lập được DN triển khai kết quả nghiên cứu và sở hữu kết quả của nghiên cứu đó.
“Mục tiêu to lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển”.
Bộ trưởng cũng đề cập trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đang xuất siêu nhưng giá trị Việt Nam tham gia, tạo ra trong sản phẩm công nghệ cao còn thấp. Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời với mong muốn thúc đẩy giá trị Việt Nam trong các sản phẩm KHCN tăng lên.
Quốc gia muốn hoá rồng, hoá hổ thì chữ “tự” nghĩa là tự chủ rất quan trọng. Phải “tự” cả về tinh thần, vật chất. Cần tinh thần tự chủ, tự tin, tự cường dân tộc”. Người Việt Nam đã đến lúc tự tin, vươn mình, Bộ trưởng chia sẻ.
Đột phá, cách mạng các nhiệm vụ của Nghị quyết trong lĩnh vực TT&TT
Trao đổi về các hành động cụ thể triển khai Nghị quyết, Bộ trưởng đã chia sẻ một số câu chuyện và từ khoá mà lãnh đạo các đơn vị cần phải quan tâm để đưa Nghị quyết vào áp dụng cho việc phát triển các lĩnh vực mà Bộ TT&TT thực hiện vai trò quản lý nhà nước.
Bộ trưởng cho biết Nghị quyết đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cán bộ có chuyên môn KHCN, CĐS tham gia vào cấp uỷ, lãnh đạo các cấp. Cùng với đó, người lãnh đạo, đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương phải phải trực tiếp làm CĐS. Người đứng đầu được giao nhiệm vụ CĐS và có chỉ tiêu đánh giá rõ ràng. Việc giao nhiệm vụ CĐS cho địa phương nay cũng đã có thể được lượng hoá với những chỉ tiêu cụ thể.
Vấn đề tiếp theo mà Bộ trưởng đề nghị lưu ý là các kết quả công việc phải được đo lường trực tuyến, có hệ thống đánh giá trực tuyến định kỳ hàng quý, hàng năm. “Dùng máy móc đánh giá mới chính xác. Những nhiệm vụ không đo lường được thì không đưa vào chương trình hành động. Đo lường trực tuyến và có thể công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần tạo áp lực cao để các lãnh đạo hành động quyết liệt”.
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị xây dựng chương trình hành động cho lĩnh vực quản lý thực hiện theo Nghị quyết 57-NQ/TW phải đề ra mục tiêu cao, đột phá, để tìm ra người tài. “Việc đặt mục tiêu cao cũng để người lãnh đạo phải tìm ra giải pháp, cách tiếp cận để đổi mới”.
Bộ trưởng lấy ví dự từ thực tiễn của lĩnh vực viễn thông, là đang thúc đẩy 5G nhưng việc đầu tư cho 5G đang “rón rén”. Ở các thành phố, sóng 5G mới phủ được 20%. Trong khi nguyên lý của phủ sóng di động là phải phủ rộng khắp, phủ sóng lỗ chỗ thì không nên làm. TP. HCM là trung tâm tài chính thì phải đầu tư cho 5G gấp 5 lần, độ phủ sóng phải đạt 100%, tốc độ 5G cần phải nhanh hơn tốc độ mạng 4G là 10 lần.
Theo Bộ trưởng, DN viễn thông cần phải đầu tư ngay cho 5G ngay trong năm 2025 để thời gian từ nay đến năm 2030 còn kinh doanh và có thể thu lợi nhuận. Năm 2030 là thời hạn để bắt đầu phát triển 6G.
“Cần nhìn vào tồn tại để thay đổi và để giải quyết. Cần phải có những quyết định mang tính cách mạng để đột phá. Cách mạng, đột phá là phải đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi như từ 50% lên 100%, hoặt ít nhất là phải tăng 30% trở lên. Đặt mục tiêu cao thì làm được, mục tiêu thấp thì không làm được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Cách mạng là tốc độ phải nhanh và thường mang tính phá huỷ, bỏ cái cũ, tạo ra cách quản trị, cách làm mới, cách tiếp cận mới. Tiếp theo là phải “toàn diện”. Cách mạng phải toàn diện, mọi lĩnh vực và giải pháp phải mạnh”.
Về CĐS, Bộ trưởng cho biết “CĐS là cần hiện thực hoá những ý tưởng, giải pháp… thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập, tạo ra giá trị toàn dân”.
Tiếp đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ phải thay đổi trong cách đánh giá công việc cuối năm và phải có dữ liệu. Cần thay đổi phương thức quản trị đó là nhờ máy móc hỗ trợ, nhắc việc.
Đó là phát triển lực lượng sản xuất tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là năng suất lao động. Nguy cơ tụt hậu chủ yếu liên quan đến năng suất lao động. Cần chú ý một số từ khoá “đổi mới phương thức quản trị”, “nâng thứ hạng quốc gia”, “phát triển bứt phá”.
Bộ trưởng lấy ví dụ câu chuyện của TP. Davos, Thuỵ Sỹ. Từ một thành phố nghèo đã bứt phá, tiên phong khi triển khai công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trong 3 năm trở thành trung tâm blockchain của thế giới.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, các đơn vị cần ánh xạ vào công việc quản lý nhà nước của từng lĩnh vực TT&TT. Có nhiều cách tiếp cận Nghị quyết 57-NQ/TW và giờ đây cần chuyển các chủ trương thành hiện thực. Trong quá trình triển khai, có những việc chưa trơn tru thì sẽ vừa làm vừa điều chỉnh. Điểm chú ý là cần chú trọng vào kết quả cuối cùng của công việc.
Hoàng Linh
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận