Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ xác định bảo mật là nhiệm vụ hàng đầu
Tiếp tục hiện thực hoá các bước tiếp theo trong xây dựng Chính phủ điện tử, vấn đề trọng tâm là hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ cần được đặc biệt quan tâm về vấn đề bảo mật, an ninh và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế về dữ liệu và phần mềm.
- "Chính phủ điện tử chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi an toàn phục vụ người dân và doanh nghiệp"
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử
“Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Bộ TT&TT, Bộ Công an và cơ quan chức năng phối hợp Tập đoàn VNPT bảo đảm an toàn, an ninh theo cấp độ; chú trọng phương án bảo mật, tạo “bức tường”, “chìa khóa” để giữ toàn bộ các dữ liệu mật, thiết kế an ninh cho Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hướng tới hệ thống đạt chuẩn quốc tế, chủ động về dữ liệu và phần mềm”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp tổ công tác xây dựng, triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia chiều 3/1.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Liên quan đến tình hình triển khai hệ thống báo cáo Chính phủ kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết: Vừa qua, Văn phòng Chính phủ, Sáng kiến Việt Nam phối hợp Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ số kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ số, các bộ, ngành sẽ tiếp tục chuẩn hóa chế độ báo cáo gắn với các chỉ số này để tiếp tục số hóa, triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Các chỉ số này hiển thị tại Bảng hiển thị trực quan tình hình biến động các chỉ số; chu kỳ biến động theo kỳ báo cáo, là đầu ra của Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các chỉ số phục vụ kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời hiển thị tình hình tiếp nhận hồ sơ người dân, doanh nghiệp nộp từ Cổng dịch vụ công, tình hình tiếp nhận xử lý từ hệ thống một cửa của các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Các thông tin báo cáo tổng hợp của hệ thống eCabinet, hệ thống theo dõi, đôn đốc, kiểm tra nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt theo dõi các thông tin trên các mạng xã hội, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.
Về xây dựng thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, chuẩn hóa các quy trình tổng thể của hệ thống với 2 báo cáo đã được lựa chọn, bao gồm các nghiệp vụ chính: Quy trình báo cáo theo 4 cấp hành chính từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đến bộ, ngành và cuối cùng báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy trình liên thông các chế độ báo cáo; quy trình chia sẻ dữ liệu báo cáo...
Bên cạnh đó, Tập đoàn VNPT đã hoành thành các chức năng cơ bản của hệ thống đã thiết kế và hoàn thiện Bảng hiển thị trực quan bộ chỉ số kinh tế - xã hội phiên bản 2.0; bố trí các máy chủ, cài đặt hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ thử nghiệm kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương; chuẩn bị hạ tầng phần cứng hỗ trợ cài đặt và triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo cho các bộ, ngành, địa phương…
Tập đoàn VNPT đã kiểm tra an toàn, an ninh nội bộ; dự thảo tài liệu hồ sơ yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh theo cấp độ, đồng thời thiết kế bộ thư viện giao diện đáp trình ứng dụng (API) phục vụ kết nối, liên thông các hệ thống báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đến hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Tập đoàn VNPT phối hợp Bộ TT&TT xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về tiêu chuẩn kỹ thuật, cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin báo cáo.
Sẽ có định chế trong hệ thống báo cáo Chính phủ
Trong quá trình thực hiện, Cục trưởng Ngô Hải Phan cho biết: Vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như ban hành Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ của các bộ, ngành chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, các bộ chưa xây dựng hệ thống thông tin báo cáo dùng chung, rất ít chế độ báo cáo thực hiện qua hệ thống phần mềm, lúng túng trong việc lựa chọn chế độ báo cáo; khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Trong khi đó, Tập đoàn VNPT mới nghiên cứu, khảo sát sơ bộ, chưa đưa ra được phương án chi tiết thiết kế trung tâm chỉ đạo, điều hành.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 31/12/2019 với 8 nhóm dịch vụ, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá tích cực từ dư luận, mang lại lợi ích chung, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
“Do đó, Tổ công tác, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ tư vấn Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ cần quyết tâm triển khai, sớm hoàn thiện Trung tâm báo cáo quốc gia. Đây sẽ là nơi kết nối các trung tâm báo cáo các bộ, ngành, địa phương, tạo thành hệ thống báo cáo quốc gia chuẩn mực, chính xác theo thông lệ quốc tế; hỗ trợ công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 hướng đến việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thực chất vấn đề thủ tục hành chính và khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm báo cáo quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chú trọng nhiệm vụ: Xây dựng quy chế cập nhật, khai thác, quản lý Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để có quy định khung; chuẩn hóa dữ liệu báo cáo, xây dựng hướng dẫn kết nối giữa Hệ thống báo cáo Chính phủ và Hệ thống báo cáo của các bộ, các địa phương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị sớm hoàn chỉnh hệ thống báo cáo Chính phủ, hệ thống báo cáo của 8 bộ và 5 địa phương, Tập đoàn VNPT làm việc với các bộ, ngành, địa phương triển khai phần mềm liên thông, nếu cơ sở đã chuẩn hóa triển khai kết nối, thực hiện đúng tiến độ; hoàn thiện hệ thống nền tảng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt mục tiêu đến ngày 30/3/2020 hoàn thành kết nối hệ thống báo cáo của 8 bộ và 5 địa phương. “Đặc biệt, ngay từ tháng 2/2020, đề nghị Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Bộ TT&TT, Bộ Công an và cơ quan chức năng phối hợp Tập đoàn VNPT bảo đảm an toàn, an ninh theo cấp độ; chú trọng phương án bảo mật, tạo "bức tường", "chìa khóa" để giữ toàn bộ các dữ liệu mật, thiết kế an ninh cho Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hướng tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đạt chuẩn quốc tế, chủ động về dữ liệu và phần mềm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận