Tạm dừng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu trên cả nước
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa có công văn khẩn số 1983/CV-BCĐ gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị không thực hiện dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu.
Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại chỗ.
Tính đến nay cả nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID- 19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác (Nông nghiệp, Quốc phòng) có 15 phòng, 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.
Để đảm bảo đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo việc thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải được cận nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí vì trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID - 19 trên thế giới như hiện nay, các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm có nguồn cung ứng hạn chế và giá thành cao.
Trong giai đoạn hiện nay các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu.
Theo Bộ Y tế, phương pháp xét nghiệm phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch ở nước ta là sử dụng xét nghiệm RT- PCR với test kit do Học viện Quân y sản xuất, đảm bảo khả năng cung cấp chủ động cho xét nghiệm phòng, chống dịch, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Bộ Y tế đang thẩm định và cấp phép cho một số đơn vị đăng ký.
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tại hơn 700 điểm cầu.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã phân tích về phác đồ điều trị COVID-19 hiện nay Việt Nam đang áp dụng và luôn cập nhật với phác đồ của thế giới.
Theo đó 82,9% bệnh nhân ở cấp độ nhẹ chỉ cần điều trị thông thường và theo dõi sát bệnh nhân là có thể điều trị thành công và thực tế đã chứng minh điều này ở nước ta; chỉ có 15,3% là bệnh nhân có biến chứng nặng, gần 6% nghiêm trọng phải điều trị ở tuyến trung ương.
Vì vậy các cơ sở y tế tuyến địa phương luôn phải sẵn sàng và thường xuyên nâng cao năng lực về điều trị để thu dung các bệnh nhân mắc khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Trao đổi với các cán bộ y tế, các y bác sĩ và chuyên gia tại hơn 700 điểm cầu trong cả nước, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế là vấn đề rất quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới chăm sóc người bệnh COVID-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, hồi sức tích cực, sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tích cực điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có ca tử vong, là một thắng lợi lớn. Tuy nhiên, trước những diễn biến của dịch bệnh, không thể nói trước được điều gì mà càng cần phải dồn hết sức, trí tuệ, trang thiết bị, thuốc tốt nhất cho điều trị các bệnh nhân nặng nhất hiện nay và liên cập nhật thông tin về các trường hợp này hàng ngày,
Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế chia sẻ, ngay từ ban đầu và cho đến thời điểm này, quan điểm điều trị của Việt Nam là bệnh nhân phát hiện tại đâu sẽ điều trị tại đó. Đây là điều quan trọng để chúng ta dành sức cho sau này, nếu xảy ra dịch bệnh trên diện rộng thì phát hiện ở đâu, chữa trị tại đó, "chứ không phải cứ có bệnh nhân là lại hốt hoảng chuyển lên tuyến trên. Chúng ta đừng nghĩ rằng tuyến cơ sở không phải điều trị mà lơi lỏng. Trong tình hình dịch như hiện nay, tuyến cơ sở càng phải tăng cường năng lực, nâng cao kiến thức, hiểu biết về điều trị".
Vì vậy cần tiếp tục tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực ở tất cả các tuyến, nhất là việc nâng cao kỹ năng trong chăm sóc, điều trị bởi vì bệnh này dễ lây, khó phòng. Tổng kết trong lịch sử loài người chưa từng có bệnh nào dễ lây như lần này, chỉ trong vòng có mấy tháng mà hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có ca nhiễm, sức lan tỏa rất ghê gớm nên các cơ sở y tế có nguy cơ rất cao. "Do đó, các kỹ năng trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân là rất quan trọng, các cơ sở y tế đều phải chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng trên toàn quốc, không chờ hỗ trợ từ trung ương, tuân thủ phương châm 4 tại chỗ", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã nâng cấp phòng ngừa dịch COVID-19 lên một cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Theo đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.
Trong bối cảnh bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã giảm so với trước, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng hộ và kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân
“Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, sách lược trong điều trị. Chúng ta phải chia kíp trực trong bệnh viện, các kíp cách nhau từ 7 đến 14 ngày. Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực làm việc, tránh tình trạng như vừa rồi, có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận