Trạm định vị vệ tinh quốc gia sẽ tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật mới kể từ giữa tháng 7/2020
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2020.
- VNGEONET - Mạng lưới các trạm định vị vệ tinh đầu tiên tại Việt Nam
- Bản đồ số Vmap sẽ sớm tích hợp thêm các lớp thông tin về an toàn thực phẩm, môi trường
- Ứng dụng Map 4D - Trải nghiệm bản đồ số make in Việt Nam
Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT bao gồm 6 Chương, 23 Điều và 10 Phụ lục ban hành kèm theo. Thông tư quy định các yêu cầu kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia; cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia trong hoạt động đo đạc và bản đồ.
Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dữ liệu mạng lưới vào công tác đo đạc và thành lập bản đồ tại lãnh thổ Việt Nam.
Trạm GNSS CORS tại Đà Lạt
Theo Thông tư, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm các trạm định vị vệ tinh quốc gia và trạm điều khiển xử lý trung tâm được kết nối với nhau qua internet đảm bảo việc thu nhận dữ liệu được liên tục, ổn định.
Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được xây dựng đồng bộ, phủ trùm trên toàn quốc trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia; được tính toán xác định tọa độ thường xuyên, liên tục theo ngày trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF; được xác định giá trị trọng lực và sự biến thiên của giá trị trọng lực với chu kỳ đo lặp 10 năm/lần.
Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia phải có khả năng mở rộng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo tính tương thích với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của các hệ thống định vị, dẫn đường bằng vệ tinh hiện có trên thế giới.
Thông tư quy định các dịch vụ cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia:
1. Cung cấp các dữ liệu GNSS với loại dữ liệu có giãn cách thu tín hiệu 30 giây, 15 giây, 1 giây dạng RINEX phục vụ việc xử lý sau (Post Processing) trong thời gian như quy định tại khoản 10 Điều 18 của Thông tư.
2. Cung cấp dịch vụ tính toán, xử lý các mạng lưới GNSS với độ chính xác lên tới mm trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF.
3. Cung cấp dịch vụ tự động xử lý, tính toán trị đo GNSS cho người sử dụng dưới hình thức trực tuyến theo yêu cầu riêng.
4. Cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mạng (Network RTK) như: VRS, MAX, iMAX hoặc theo trạm đơn Single Base. ..cho người sử dụng.
5. Các dịch vụ được cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được sử dụng trong đo đạc, thành lập bản đồ địa hình; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; nghiên cứu khoa học và các hoạt động đo đạc và bản đồ khác.
Thông tư có hiệu lực sẽ giúp ích rất nhiều cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ dữ liệu vệ tinh quốc gia trong việc đo đạc, xây dựng bản đồ.
Phạm vi cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực.
Thông tư quy định việc khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia được dựa trên 7 nhóm tiêu chí và dựa trên cơ sở thiết kế sơ bộ kết hợp với kết quả khảo sát lựa chọn vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia, đồng thời tiến hành thiết kế chính thức.
Trên sơ đồ thiết kế chính thức phải thể hiện đầy đủ các thông tin cơ bản của trạm như: tên trạm, số hiệu trạm, tọa độ gần đúng của trạm, khoảng cách đến các trạm lân cận; các ký hiệu sử dụng trong thiết kế phải rõ ràng, thống nhất. Thiết kế chính thức giao nộp ở dạng in trên giấy và dạng số.
Các từ ngữ viết tắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia:
a) GNSS (Global Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu;
b) GPS (Global Positioning System): Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ;
c) GLONASS (Global Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu của Nga;
d) GALILEO: Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu của Liên minh Châu Âu được vận hành bởi cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu;
đ) BDS (BeiDou Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu của Trung Quốc;
e) QZSS (Quasi-Zenith Satelite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh của Nhật Bản hoạt động chủ yếu ở khu vực châu Á - Châu Đại Dương;
g) IRNSS (Indian Regional Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh khu vực được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ;
h) IGS (International GNSS Service): Tổ chức quốc tế cung cấp các dịch vụ về hệ thống GNSS;
i) ITRF (International Terrestrial Reference Frame): Hệ quy chiếu trắc địa quốc tế;
k) RINEX (Receiver Independent Exchange format): Chuẩn dữ liệu trị đo GNSS theo khuôn dạng dữ liệu ASCII được sử dụng để thuận tiện cho việc xử lý không phụ thuộc máy thu hoặc phần mềm;
l) VRS (Virtual Reference Station): Trạm tham chiếu ảo;
m) MAC (Master-Auxiliary Concept): Trạm chính - phụ;
n) MAX: Dịch vụ cải chính sử dụng giải pháp công nghệ trạm chính - phụ;
o) i-MAX: Dịch vụ cải chính sử dụng giải pháp công nghệ trạm chính - phụ có điều chỉnh;
p) Single Base: Dịch vụ cải chính sử dụng giải pháp công nghệ trạm đơn;
q) RTCM (Radio Technical Commission for Maritime services): Chuẩn cấu trúc dữ liệu để truyền cải chính phân sai được phát triển bởi Ủy ban kỹ thuật vô tuyến cho các dịch vụ hàng hải;
r) DVR (Digital video recoder): Thiết bị điện tử có thể thu nhận các tín hiệu từ camera kỹ thuật số có nhiệm vụ xử lý và ghi lại hình ảnh theo thời gian thực;
s) FTTH (Fiber to the Home): Giải pháp kết nối cáp quang thuần túy được đi trực tiếp từ nhà mạng đến hộ gia đình hoặc tổ chức;
t) Leased line hay còn gọi là kênh thuê riêng, đây là hình thức kết nối trực tiếp giữa các node mạng có sử dụng kênh truyền dẫn số liệu thuê riêng;
u) Mạng LAN (Local Area Network) hay còn gọi là mạng máy tính cục bộ: là một hệ thống mạng dùng để kết nối các máy tính trong một phạm vi nhỏ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận