Băng tần E - Mắt xích quan trọng trong phát triển mạng 5G tại Việt Nam
Băng tần E-band đóng vai trò then chốt đáp ứng nhu cầu kết nối các tuyến truyền dẫn đường trục, truyền tải dữ liệu từ trạm phát về mạng lõi cho mạng 5G đang phát triển mạnh mẽ.
- Đặc sứ về chính sách viễn thông và 5G được Tổng thống Trump bổ nhiệm
- HPE ra mắt giải pháp mạng 5G riêng thúc đẩy kết nối cho doanh nghiệp
- Samsung: Chiếm lĩnh thị trường smartphone 5G ở Việt Nam
Theo Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành ngày 31/3/2025 và có hiệu lực từ 15/5/2025, băng tần E-band (71-76 GHz và 81-86 GHz) này cho phép truyền dẫn dữ liệu với tốc độ lên đến hàng Gbps, vượt trội so với các giải tần truyền thống hiện có.
Ảnh: Adslzone |
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện với băng tần E đánh dấu bước đột phá trong công nghệ truyền dẫn vô tuyến, đồng thời tạo nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của mạng 5G tại Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, ở khu vực đô thị, không phải tất cả các trạm gốc di động đều được hỗ trợ bởi đường truyền dẫn cáp quang. Các tuyến liên kết backhaul (tuyến truyền dẫn đường trục kết nối từ trạm thu phát sóng đến mạng lõi) sử dụng sóng vi ba và sóng mmWave rất linh hoạt và có thể hỗ trợ tốc độ dữ liệu đáng kể. Băng tần E có thể cho phép xử lý lưu lượng nhiều hơn từ 15 lần đến 20 lần so với các tuyến liên kết backhaul băng tần vi ba điển hình (14 GHz đến 25 GHz). Truyền dẫn backhaul bằng sóng vi ba có ưu điểm là triển khai nhanh chóng, chi phí vừa phải và khả năng dễ tiếp cận.
Thông thường, băng tần E cung cấp băng thông khoảng 10 GHz và khoảng cách truyền dẫn vào khoảng 2 km đến 3 km. Tuy nhiên, với việc sử dụng các ăng ten tự động điều chỉnh chùm tia, máy phát băng tần E công suất cao và ăng ten lớn hơn (0,6 mét và 0,9 mét) sẽ giúp tăng khoảng cách truyền dẫn lên 3 km đến 5 km, đồng thời hỗ trợ tốc độ dữ liệu lên đến 20 Gbps.
Mạng 5G đòi hỏi băng thông backhaul lớn hơn nhiều so với các thế hệ mạng trước đó. Với tốc độ truyền dữ liệu lên đến hàng Gbps, băng tần E trở thành giải pháp lý tưởng cho kết nối backhaul của các trạm gốc 5G.
Nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng, trong bối cảnh triển khai 5G, băng tần E mang lại nhiều ưu điểm nổi bật. Mạng 5G yêu cầu băng thông backhaul từ 1Gbps đến hơn 10Gbps. Băng tần E với khả năng ghép nhiều kênh 250MHz liên tiếp có thể đáp ứng tốt nhu cầu này. Tại các khu vực đô thị đông đúc, việc lắp đặt cáp quang cho backhaul 5G thường gặp nhiều trở ngại về mặt bằng, giấy phép và chi phí. Hệ thống viba E-band có thể được triển khai nhanh chóng, giảm thời gian để đưa mạng 5G vào hoạt động. Trong nhiều trường hợp, chi phí triển khai và vận hành hệ thống viba E-band thấp hơn so với cáp quang, đặc biệt là các kết nối có khoảng cách ngắn trong đô thị.
Đồng bộ với chiến lược phát triển 5G quốc gia
Quyết định quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện đối với băng tần E-band đồng bộ với lộ trình phát triển 5G của Việt Nam. Theo Chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 phủ sóng 5G tại các khu công nghiệp, đô thị lớn và đến năm 2030 phủ sóng trên toàn quốc.
3 nhà mạng lớn tại Việt Nam đã chính thức thương mại hóa 5G. Ảnh: HC |
"Việc quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện với băng tần E của Bộ KH&CN là bước đi kịp thời, giúp doanh nghiệp viễn thông có nguồn tài nguyên tần số phù hợp để phát triển backhaul cho mạng 5G. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược phủ sóng 5G tại Việt Nam trong những năm tới", một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong ngành viễn thông nhận định với Điện tử và Ứng dụng.
Không chỉ phục vụ cho mạng 5G hiện tại, băng tần E còn được xem là nền tảng cho các công nghệ di động trong tương lai như 6G và các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) đòi hỏi độ trễ thấp và băng thông lớn.
Với việc ban hành Thông tư 02/2025/TT-BKHCN, Việt Nam đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng bộ giữa hạ tầng truyền dẫn vô tuyến hiện đại và mạng di động thế hệ tiếp theo như 5G và 6G. Quyết định này mang tính đột phá, đảm bảo Việt Nam không bị tụt hậu trong cuộc đua phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ 5G trên thế giới.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận