Bộ TT&TT hướng dẫn triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương
Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
- Thí điểm xây dựng nền tảng cửa khẩu số tại Lạng Sơn
- Nông dân thời @ trên sàn thương mại điện tử
- Chuyển đổi số nông nghiệp tạo đột phá từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Đó là nội dung của văn bản số 793 /BTTTT-THH được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành ngày 05 /03/2022 hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đồng thời, khuyến nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện giao Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, trong đó mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng.
VNPost hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật và giới thiệu sản phẩm lên các gian hàng số. Ảnh: VNPost
Mỗi thôn, bản, tổ dân phố là một "Tổ công nghệ số cộng đồng"
Theo Bộ TT&TT, Mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân. Các nội dung phải phù hợp với đặc thù của địa phương; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Tùy theo đặc thù, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể có 01 Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Hướng dẫn cũng quy định rõ nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng: Thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân; Tham gia hiệu quả vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối chung.
Cán bộ công chức xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái ứng dụng các tài khoản điện tử vào hoạt động. Ảnh: VNPost
Địa phương ra quyết định thành lập "Tổ công nghệ số cộng đồng"
Bộ TT&TT khuyến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận/huyện, thành phố/thị xã giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng. Trong đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn/bản,Tổ trưởng tổ dân phố và 02 nhân sự (khuyến nghị có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Uỷ ban nhân dân các cấp: Khuyến nghị người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước cấp trên về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao đối với kết quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng, công tác chuyển đổi số nói chung tại địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông: Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, làm đầu mối quản lý, hướng dẫn, giao chỉ tiêu cho Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số: Huy động nguồn lực trực tiếp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao sử dụng cho Tổ công nghệ số cộng đồng các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số cho người dân.
Tổ công nghệ cộng đồng xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn vào tận nhà để hướng dẫn người dân bán hàng qua cửa hàng số. Ảnh: Laodong.vn
Nhiệm vụ "Tổ công nghệ số cộng đồng"
Hướng dẫn nêu rõ, Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai các nội dung để thực hiện nhiệm vụ trên 3 mặt trận "Chính quyền số", "kinh tế số" và "xã hội số". Tổ thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố.
Cụ thể, Về chính quyền số, Tổ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.
Về kinh tế số, Tổ hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,…; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Về xã hội số, Tổ trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số.
Tổ công nghệ số cộng đồng nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố (ví dụ như: Mở gian hàng số, cài ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC – COVID, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai,…). Tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (ví dụ: lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.
Tổ công nghệ số cộng đồng được quản lý dựa trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như Zalo, Mocha, Gapo. Mỗi xã, phường, thị trấn tạo một nhóm chung bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các Tổ công nghệ số cộng đồng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, phòng Công nghệ thông tin - Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp tham gia triển khai. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ trực tiếp tương tác, hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và các thành viên của Tổ, cùng chia sẻ cách làm hay, các trường hợp điển hình.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận