Chuyển đổi số nông nghiệp tạo đột phá từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, với định hướng IoT hay Big Data ứng dụng trong ngành này sẽ là động lực tạo đột phá để đảm bảo minh bạch trong sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm.
Nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Từ công nghệ trong sản xuất....
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% lao động. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta trong suốt nhiều thập kỷ.
Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sẽ làm mới nền nông nghiệp truyền thống tồn tại lâu nay tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng CNC vào lĩnh vực nông nghiệp đã được tăng cường. Đến nay, Việt Nam đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, 9 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, 45 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.
Trong trồng trọt, các chương trình, phần mềm quản trị được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…), tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số, cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực... Việc áp dụng các công nghệ này ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương, điển hình là TP Hồ Chí Minh, Lâm Ðồng, Hà Nội, Quảng Ninh...
Ở lĩnh vực lâm nghiệp, đã dùng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ IOT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nổi bật là mô hình các trang trại hiện đại như: Tập đoàn TH TrueMilk, Công ty Vinamilk...
Ngoài ra, còn dùng phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để quản lý việc áp dụng an toàn sinh học, tiêm phòng, thức ăn tại cơ sở chăn nuôi; giúp ngành chức năng quản lý về tình hình tiêm phòng, theo dõi dịch bệnh...
Ðối với lĩnh vực thủy sản, đã sử dụng thiết bị dò cá bằng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy thu lưới vây, hệ thống thu-thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.
Trong nuôi trồng thủy sản thì ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường; công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi.
Công nghệ sẽ làm thay đổi hoàn toàn quá trình sản xuất.
Công nghệ tự động hóa được áp dụng trong khâu chế biến thủy sản (từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất), giúp giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm...
Có thể thấy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Bởi công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,91%; thủy sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành tăng 2,68%…
... đến công nghệ trong phân phối sản phẩm nông nghiệp
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 749/QÐ-TTG về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đạt những kết quả khả quan, song còn đối mặt với một số thách thức: Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
Vai trò của công nghệ đang ngày càng được khẳng định xuyên suốt từ sản xuất đến phân phối sản phẩm.
Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng.
Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Mới đây, ngày 18/6, Bộ NN&PTNT và Bộ Thông tin-truyền thông đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hội nghị tập trung thảo luận những nội dung như: chuyển đổi số từ đâu? chuyển đổi số như thế nào để thay đổi mô hình tăng trưởng; làm sao để thông tin thị trường trở nên minh bạch; giải quyết những khó khăn, tồn tại (chưa có dữ liệu lớn cho ngành, người nông dân chưa đủ kiến thức và kỹ năng số để ứng dụng...) như thế nào?
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. 9 triệu hộ nông dân có thể kết nối với các doanh nghiệp chế biến, kết nối với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỉ người tiêu dùng trên thế giới. Từ đó, nông dân có thể tự so sánh giá cả nông sản ở nhiều nơi, chủ động hơn về giá bán và không còn nạn ép giá trong mua bán nông sản.
Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Áp dụng IoT hay Big Data sẽ giúp minh bạch hoá quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bộ NN&PTNT cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big data có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ Bộ NN&PTNT xây dựng cơ sở dự liệu, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất chế biến nông nghiệp và người nông dân về chuyển đổi số. Hai Bộ sẽ cùng phối hợp chuyển đổi số để nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận