Nông dân thời @ trên sàn thương mại điện tử
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử không chỉ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mà chuyển đổi cả tư duy những người nông dân và những người đầu bếp thời @.
- 5 lựa chọn hàng đầu của người dùng trên các sàn thương mại điện tử trong năm 2021
- Sàn thương mại điện tử Amazon bị tố bán đĩa than giả!
- Sàn thương mại điện tử đau đầu chặn sản phẩm có 'đường lưỡi bò'
Trao đổi với phóng viên, Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho một kg nông sản, không giới hạn số lượng mua” bắt đầu từ ngày 9/3 đến hết tháng 3 với các sản phẩm: bắp cải, su hào, cà chua của tỉnh Hải Dương và tập trung phục vụ địa bàn Hà Nội thông qua các gian hàng quốc gia “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại" trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đáng nói, mục tiêu của chương trình là triển khai rộng khắp và liên kết các sàn thương mại điện tử để không chỉ là giải cứu nông sản mang tính chất mùa vụ.
Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy người nông dân tham gia sâu hơn vào quy trình tiêu thụ nông sản. Ảnh minh họa
Cũng theo ông Chiến, trước mắt, gian hàng tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Hiện Hải Dương vẫn tồn đọng 45 ngàn tấn bắp cải, 15 nghìn tấn su hào, cà chua…
Sản phẩm cung ứng ra thị trường cuối cùng đạt các tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và minh bạch thông tin. Các sản phẩm nông sản nằm trong chương trình lên sàn Sendo đều được Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng hỗ trợ việc phân tích mẫu, lưu mẫu và phân tích kiểm nghiệm.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty CP công nghệ Sen Đỏ tại Hà Nội nhìn nhận, thời gian qua, Hải Dương là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19, vừa lo chống dịch vừa thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, khiến nông sản bị ứ đọng, người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, sàn thương mại điện tử Sendo cam kết bù lỗ để thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Hải Dương với mức giá 1.000 đồng/kg, không giới hạn số lượng, đồng giá vận chuyển chỉ còn mức 9.000/đơn hàng trong toàn bộ khu vực Hà Nội. “Sendo sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Hải Dương tới tay người tiêu dùng Thủ đô một cách nhanh nhất, nhiều nhất”, đại diện Sendo cho hay.
Với giải pháp đồng giá, ngay trong ngày đầu tiên, lượng tiêu sản phẩm nông sản từ Hải Dương đã lên tới 6 tấn và nhu cầu đang tăng rất cao. Các sản phẩm nông sản Hải Dương đảm bảo tiêu chí chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này khiến người tiêu dùng Thủ đô yên tâm.
Theo ông Tuấn Anh, đây là tín hiệu tốt cho Sendo, bởi người tiêu dùng từ trước tới giờ chưa có thói quen mua sắm các mặt hàng tươi sống trên sàn thương mại điện tử. Đặc thù của nông sản là loại hàng hóa có thời gian thu hoạch và thời gian sử dụng rất ngắn.
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch. Qua sàn thương mại điện tử, sản phẩm tiếp cận được trực tiếp với người tiêu dùng, tối ưu được chi phí của người tiêu dùng cuối cùng.
Đồng thời, tạo được niềm tin cho người sử dụng. Sản phẩm muốn đến được với người tiêu dùng thì hàng hoá phải có chất lượng, thương hiệu, giá thành bán ra đáp ứng được đối tượng khách hàng của sàn.
Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT, Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định, qua chương trình này, bà con nông dân, các hợp tác xã được cập nhật và nâng cao kiến thức về về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các kỹ năng về thương mại điện tử, thương mại bền vững. Cũng từ đó tập quán canh tác theo nhu cầu của khách hàng được hình thành, đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường.
Ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại cho nông sản tại Hải Dương, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối kết hợp với Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tại một số địa phương xúc tiến sản phẩm theo các hình thức như kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc hiện là một trong những giải pháp hiệu quả, minh bạch giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm, tiêu dùng, nhất là trong khi mua sắm thực phẩm.
Cũng theo bà Thuý, để nhân rộng mô hình này, Cục đã làm việc với các sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Tiki để trong thời gian tới sẽ thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Không chỉ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông sản qua các sàn thương mại điện tử lớn cũng rất khả thi. Cục xúc tiến thương mại đang phối hợp với Alibaba và Amazon tiến hành các hoạt động để xây dựng gian hàng chung để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các kết quả trực quan, thực tế.
“Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp về hiệu quả mang lại từ thương mại điện tử. Doanh nghiệp phải nhìn thấy hiệu quả thực sự mà thương mại điện tử mang lại, khi đó họ sẵn sàng tham gia”, bà Thuý chia sẻ.
Nhưng chính các doanh nghiệp đầu tư sàn thương mại điện tử cũng cho rằng, đưa sản phẩm nông sản tươi lên sàn thương mại gặp nhiều thách thức, liên quan tới hậu cần, vận chuyển, kho bãi… chi phí sẽ đội lên.
Hơn nữa, việc huấn luyện cho bà con, các hợp tác xã ở các địa phương làm quen với phương thức thương mại điện tử ban đầu không hề dễ dàng bởi những người bán hàng nông sản chưa quen với mô hình sàn thương mại điện tử, nguyên do xuất phát từ thương mại điện tử chưa phổ cập tới đại đa số nông dân.
“Nhưng nếu tham gia tốt ở lĩnh vực thương mại điện tử, khi ứng dụng thành công mô hình nông sản bền vững, họ sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường ngoài địa phương, thậm chí ra thế giới với giá thuận lợi nhất”, bà Thuý bộc bạch.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận