Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân
Sáng nay, ngày 13/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, đã diễn ra hội thảo mang tên "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân." Sự kiện này do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức, và được giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tiến hành trực tiếp.
- Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- Nông dân thời @ trên sàn thương mại điện tử
Chuyển đổi số hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu và là một trong những ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2023 cũng như sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân lần thứ 5 trong năm 2023. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (từ 14/10/1930 đến 14/10/2023) cùng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia vào ngày 10/10/2023.
Ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh KHCN và chuyển đổi số đối với kinh tế tập thể là vô cùng quan trọng.
Tham dự sự kiện có ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban KTTW, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các lãnh đạo đến từ Bộ Công An và Bộ Thông tin và Truyền thông và hiện diện của các ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Viettel, Mobifone, VNPT, FPT... ngoài ra còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Điều đáng chú ý là hội thảo cũng đón tiếp hơn 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã tiêu biểu được Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập.
Nội dung của Hội thảo xoay quanh 02 chủ đề chính như chuyển đổi số trong tài chính và ngân hàng với nội dung cốt lõi nêu bật những thành tựu đáng khích lệ; Giải quyết những vướng mắc trong việc chuyển đổi số trong tài chính và ngân hàng.
Các bài tham luận và trao đổi tại hội thảo sẽ tập trung vào một số vấn đề quan trọng như:
Ý nghĩa quan trọng của kinh tế số và vai trò của việc chuyển đổi số trong tài chính và ngân hàng tại các vùng nông thôn; Đánh giá từ phía nông dân khi sử dụng các dịch vụ và sản phẩm số từ các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông; Xem xét hạ tầng số, cơ sở dữ liệu và bảo mật hiện tại liệu đã đáp ứng đủ nhu cầu phát triển các sản phẩm tài chính số chưa; Học hỏi từ các trường hợp triển khai thành công các sản phẩm tài chính và ngân hàng số ở nước ngoài; Thảo luận về cách hỗ trợ nông dân, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông trong quá trình chuyển đổi số.
Hội thảo còn tập trung cốt lõi nội dung vào vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, đào tạo nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng và nâng cao nhận thức trong việc sử dụng sản phẩm tài chính số; Xem xét việc xây dựng khung pháp lý và triển khai các sản phẩm tài chính số như chữ ký số, hợp đồng số, giao dịch điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu; Thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn và bảo mật không gian mạng, tình trạng mất tài khoản, rò rỉ thông tin người dùng khi tham gia không gian số;...
Bà Mai Thị Thanh Bình, Chuyên viên chính, Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận tại sự kiện 13/10.
Đặc biệt, tại bài tham luận của Bà Mai Thị Thanh Bình, Chuyên viên chính, Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu.
Bà nhấn mạnh 10 vấn về cốt lõi xoay quanh chủ đề hôm nay, đề cập tính thực tiễn mà Bộ TT&TT đã và đang triển khai mạnh mẽ quyết liệt hoà cùng dòng chảy tin tức, thực hiện khát vọng đưa công dân lên môi trường số an toàn và lành mạnh. Tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Quốc gia.
Hiện nay, nông nghiệp chiếm 62,4% dân số Việt Nam, đóng góp 11% GDP, nhưng thu nhập còn thấp. Để đạt mục tiêu năm 2030, cần tăng trưởng 20% hàng năm. Trong đó, thách thức nông thôn còn nhiều hạn chế và thiếu tính chặt chẽ như: quy mô nhỏ, thiếu liên kết, công nghiệp hóa hạn chế, phụ thuộc vào thời tiết. Do đó, Sử dụng công nghệ số là giải pháp căn cơ và thiết yếu.
Trong chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, 2030, tập trung vào người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Cần phải tiếp tục đầu tư hạ tầng viễn thông, internet, đảm bảo kết nối. Hiện Việt Nam trong top 50 Quốc gia có tốc độ truy cập băng rộng và cố định. Thời gian tới, cần triển khai tiếp việc đưa cáp quang đến từng hộ gia đình và khuyến khích triển khai ở vùng lõm. Đẩy mạnh phổ cập thiết bị thông minh, hỗ trợ người dân nông thôn, đào tạo kỹ năng số qua học trực tuyến và Tổ công nghệ số cộng đồng.
Trọng tâm tiếp tục phát triển công tác xác định danh tính số, mỗi người dân có tài khoản thanh toán số, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Đảm bảo tiếp cận tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp fintech phát triển các sản phẩm tài chính số. Bên cạnh đó, các chính sách bảo đảm an toàn an ninh mạng cho nông thôn cần được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí cùng các nền tảng mạng xã hội. Những chính sách này vô cùng quan trọng để mở rộng tiếp cận tài chính và ngân hàng số cho người dân nông thôn. Giúp thay đổi toàn bộ cấu trúc truyền thống xưa, cũ nay đã không còn tính hiệu quả cao, để bắt kịp xu thế mới trên trường Quốc tế.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận