Cần phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn
Ngày 31/7, tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam”. Chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến chí sẻ đều xoay quanh vấn đề hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.
TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA phát biểu tại sự kiện.
Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Quang, các công nghệ hiện nay trở nên tân tiến hơn nhờ hệ thống dữ liệu và kết nối. Điển hình, các thực thể kết nối với nhau qua internet; chia sẻ, dùng chung dữ liệu. Qua đó, mỗi thực thể trở nên thông minh hơn và tổng thể hệ thống hiệu quả hơn. Cùng với đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn sẽ được tích hợp vào mọi thiết bị cần thiết trong đời sống. Vì vậy, hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của công nghiệp điện tử, viễn thông, IoT,...
TS. Nguyễn Nhật Quang đồng thời cho rằng, để trở thành thành phố thông minh, Hà Nội cần phải xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Tất cả các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa. Điều này đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Vì thế, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững. “Vì vậy, phát triển công nghiệp bán dẫn ở Hà Nội cần gắn với đề án TP. Hà Nội thông minh” - TS. Nguyễn Nhật Quang chia sẻ.
TS. Nguyễn Nhật Quang lý giải, trong quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội đều thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh. Cùng với đó, vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Vì vậy, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước. Hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương (đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần…) và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị (thiết kế, R&D…).
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm.
Nói về hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, GS.TS. Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt; nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, có tay nghề cao, chăm chỉ và sáng tạo; có hệ thống hơn 70 trường đại học công nghệ và STEM trên toàn quốc. GS.TS Chử Đức Trình cũng đặc biệt nhấn mạnh, nguồn nhân lực tại Việt Nam chính là một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển vươn tầm thể giới của ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, theo GS.TS. Chử Đức Trình, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao. Do đó, Nhà nước cần ưu tiên và khuyến khích đào tạo sâu chuyên môn công nghệ bán dẫn hướng đến sự phát triển nguồn lực của Việt Nam.
“Bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn là Việt Nam cần chọn được mắt xích và phải chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển… Chọn được đúng vị trí sẽ giúp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp bán dẫn hợp lý, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bền vững” - GS.TS. Chử Đức Trình nhấn mạnh.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng