Khi công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở
Sự phát triển của CMCN 4.0 đã dẫn CNTT vào khắp ngõ ngách của đời sống xã hội và là một phần tất yếu của cuộc sống, để tận dụng được những bước tiến này Việt Nam cần tận dụng công nghệ mở đáp ứng các nhu cầu với chi phí rẻ hơn để mọi người dùng có thể tiếp cận.
- Bộ TT&TT làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để gỡ khó trong xây dựng Chính phủ điện tử
- "Chính phủ điện tử chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi an toàn phục vụ người dân và doanh nghiệp"
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của con người. Vì thế, công nghệ thông tin phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là sử dụng công nghệ mở.
Công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở.
Công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Khi tất cả mọi người cùng cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ, thì giá công nghệ sẽ rẻ đi.
Nhận định dữ liệu là dầu mỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu.
Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau, cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một.
Do vậy, việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Hiện Bộ TT&TT đã ra mắt Cổng quốc gia về mở dữ liệu (data.gov.vn) và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở (Open RAN). Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G.
Hiện nay, hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở (Open RAN).
Theo ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với một nước đi sau như Việt Nam, muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng.
Mã nguồn mở sẽ là chìa khoá tạo đột phá trong phát triển chính phủ điện tử.
Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại, nhưng Việt Nam đồng thời cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Sử dụng phần mềm nguồn mở trong phát triển doanh nghiệp đem đến 3 lợi thế: giảm công sức trong việc phát triển phần mềm, tăng chất lượng của dịch vụ sản phẩm và dịch vụ cung cấp đầu ra, giảm chi phí và giá thành cho sản phẩm dịch vụ đầu ra.
Đến nay, Việt Nam đã có một số văn bản tổng thể về ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, tuy nhiên, các văn bản nhìn chung vẫn đang ở mức khuyến cáo, chưa có nguồn lực và chế tài đi kèm, nên hiệu quả vẫn còn khiêm tốn.
Việt Nam muốn hưởng lợi từ việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở thì cần thúc đẩy cả hai mảng: xây dựng nguồn nhân lực và tạo thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đề xuất, để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, cần có chính sách thúc đẩy việc học tập ứng dụng, nghiên cứu phát triển phần mềm nguồn mở.
"Để có nguồn nhân lực biết làm phần mềm nguồn mở, cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phát triển phần mềm nguồn mở. Đồng thời, để giải quyết vấn đề ứng dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan nhà nước, Chính phủ cần có chính sách nhằm tạo thị trường thúc đẩy phần mềm nguồn mở" ông Đường nhấn mạnh.
Trên thế giới, khái niệm phần mềm tự do nguồn mở được bắt đầu từ năm 1983 với ý tưởng là các phần mềm máy tính cần được tự do sao chép, chia sẻ, nghiên cứu cải tiến và thích nghi. Sau hơn 30 năm, phần mềm nguồn mở hiện diện ở mọi nơi, có trong hầu hết các ứng dụng thương mại.
Các hãng phần mềm lớn trên thế giới (như hãng Google, Facebook…) đều tham gia phát triển và đóng góp cho dự án phần mềm nguồn mở. Tại Việt Nam, cuối những năm 90 của thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện những nhóm người phát triển phần mềm mở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận