Lao động cần bổ sung gì trong kỷ nguyên số?
Trong bối cảnh dịch COVID-19 thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số đã yêu cầu người lao động phải phát triển kỹ năng, cập nhật công nghệ cùng với đó là việc chủ sử dụng lao động cũng cần phải tăng trường tri thức cho người lao động của mình.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội toàn cầu, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Lao động cần chuẩn bị kỹ hơn để thích nghi với trạng thái "bình thường mới".
Nhận định khi việc tiêm ngừa vaccine được triển khai trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường lao động trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ: Thời gian vừa qua, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam còn hỗ trợ cho lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ, viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, lao động không có giao kết hợp đồng, hỗ trợ cho hộ kinh doanh, tiền ăn đối với người điều trị COVID-19 và trẻ em phải điều trị và cách ly. Tuy nhiên, đại dịch được dự báo sẽ diễn biến rất khó lường, đòi hỏi lĩnh vực lao động, việc làm phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và phải thay đổi phần lớn cách thức vận hành hiện đại, số hóa để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.
Chỉ rõ trải qua đại dịch, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến đời sống, tâm lý, thể chất của người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho người lao động làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định: Tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực lao động việc làm là rất lớn. Chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho việc phát triển lực lượng lao động thông qua việc đưa các định hướng mới của Chính phủ về chuyển đổi số vào cuộc sống, cùng với đó là việc trang bị các kỹ năng cho người lao động, hướng tới đảm bảo việc làm, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, ông Lê Văn Thanh mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Tập đoàn Manpower trong lĩnh vực xây dựng thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Simon Mathews, Giám đốc vùng phụ trách Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông của Tập đoàn Manpower cho biết, lực lượng lao động toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thế giới việc làm, được đẩy nhanh bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số và dịch COVID-19.
Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐTB&XH), có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.
Lao động cần chuẩn bị đầy đủ kỹ năng hơn trong thời đại số.
“Với hơn 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp giải pháp nhân lực toàn diện cho nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, ManpowerGroup tin rằng, một tương lai tốt đẹp hơn cho người lao động là khi trang bị cho họ đầy đủ kỹ năng hơn, thế giới việc làm đa dạng hơn và hướng tới phúc lợi nhiều hơn” - Giám đốc Simon Mathews nêu rõ.
Là nhà quản lý lao động, ông Vũ Trọng Bình, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cũng cho biết, Bộ đang thực hiện đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm. Đề án tập trung vào xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm; hệ thống tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường lao động; kho dữ liệu cập nhật liên tục về thị trường lao động...
Trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội, thị trường lao động sẽ cần những giải pháp toàn diện, không chỉ nâng cao chất lượng tuyển dụng mà còn cần đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng, tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới, theo sự thay đổi của thị trường lao động...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận