Mobile Money - "Mũi tên trúng nhiều đích" trong xây dựng Chính phủ số
Sau Quyết định 136/QĐ-TTg của Thủ tướng các nhà mạng viễn thông đã tích cực chuẩn bị các giải pháp cũng như hạ tầng để tham gia thị trường tiềm năng Mobile Money để thúc đẩy quá trình triển khai thanh toán điện tử cho mọi người dân hướng đến xây dựng thành công Chĩnh phủ số.
- Mobile Money - Giải pháp để không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0
- Mobile Money là dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho đối tượng nào ở Việt Nam?
- Mobile Money sẽ là một dịch vụ tài chính bình dân
Những giới hạn của Mobile Money với người dùng
Năm 2020, Bộ TT&TT đã tích cực việc phối hợp với Ngân hàng nhà nước và nhiều bộ ngành liên quan để đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy thanh toán bằng tài khoản viễn thông Mobile-Money.
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 136/QĐ-TTg cho phép thử nghiệm Mobile-Money trong thời gian 2 năm từ thời điểm ký quyết định (ngày 9/3).
Các doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam ngay lập tức đã có những động thái để dịch vụ này có thể được nhanh chóng triển khai, phục vụ người dân, thúc đẩy quá trình thanh toán điện tử, góp phần xây dựng thành công chính phủ số.
Với Mobile Money - Mọi người dân đều có thể trở thành "công dân số".
Nội dung Quyết định 316/QĐ-TTG nêu rõ, doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile-Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán chuyển tiền cho hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Mỗi cá nhân chỉ được phép có 1 tài khoản Mobile-Money với thông tin xác thực là chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu và số điện thoại. Đặc biệt, quyết định của Thủ tướng cho phép hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile-Money.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu hạn mức giao dịch dự kiến trên được giữ nguyên, giả sử chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ thanh toán bằng điện thoại với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng giao dịch luân chuyển qua hệ thống Mobile-Money của Việt Nam có thể lên tương đương hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Theo ý kiến của anh Nguyễn Nhật Bảo (quận Ba Đình, Hà Nội), hình thức thanh toán bằng tài khoản viễn thông sẽ rất tiện dụng, phù hợp với nhiều đối tượng và sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt đặc biệt của giới trẻ khi điện thoại là vật "bất li thân" với nhiều bạn trẻ.
Chị Nguyễn Linh Chi (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị khá hào hứng với dịch vụ thanh toàn qua tài khoản di động, tuy nhiên điều này có thể sẽ tạo áp lực đối với các ngân hàng để thay đổi, ra đời thêm các hình thức thanh toán điện tử, kết nối giao dịch thanh toán qua phương tiện thông minh.
Hiện tại, vấn đề mà người dùng quan tâm nhiều nhất là sự an toàn khi thanh toán bằng tài khoản viễn thông, bảo mật thông tin người dùng, giá cước và các loại phí liên quan đến các dịch vụ cũng như mức độ sẵn sàng của các nhà mạng viễn thông trong triển khai Mobile-Money.
Mobile Money "lấp đầy" khoảng trống của hệ thống ngân hàng
Mobile-Money mở ra một mảng dịch vụ thanh toán có tiềm năng lớn và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang có nhiều kỳ vọng tại thị trường hoàn toàn mới mẻ này. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra thêm các thông tin về Mobile-Money.
Là một trong số những nhà mạng viễn thông nghiên cứu và đầu tư cho các hoạt động liên quan đến Mobile-Money, đến thời điểm này, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel) cho biết, Viettel đã sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ và đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Thủ tướng chính phủ đề ra.
Thị trường tiềm năng Mobile Money đang chờ các nhà mạng viễn thông khai thác.
Theo ông Kiên, Mobile-Money được Viettel triển khai với mục tiêu tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân, ưu tiên những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực hệ thống tài chính ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Từ 2018, Viettel đã xây dựng hệ sinh thái tài chính số ViettelPay với hơn 100 tính năng, tiện ích, là hạ tầng để Viettel triển khai Mobile-Money. Dịch vụ ViettelPay được đảm bảo bởi các chứng nhận công nghệ, tiêu chuẩn bảo mật quốc tế hiện đang phục vụ hơn 10 triệu người dân.
Để chuẩn bị sẵn sàng phổ biến Mobile-Money, Viettel đã triển khai thử nghiệm Mobile-Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, làm cơ sở hoàn thiện dịch vụ để sẵn sàng cung cấp cho hơn 70 triệu thuê bao của nhà mạng Viettel.
Ông Phạm Trung Kiên chia sẻ: Viettel đã áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất bằng sự phối hợp với các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ.
Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai ViettelPay, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro theo dõi 24/24 về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nhà mạng Viettel đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng triển khai Mobile-Money với phương châm đặt vấn đề bảo mật thông tin lên hàng đầu và phấn đấu trở thành đơn vị chủ lực tiên phong phổ cập tài chính số tại Việt Nam.
Dự định vào thời điểm khai trương dịch vụ, nhà mạng Viettel sẽ lập tức triển khai các chương trình ưu đãi đặc biệt dành các đối tượng người dùng khác nhau để nhanh chóng kích thích người dân sử dụng dịch vụ và đưa Mobile-Money trở thành một phương thức thanh toán gần gũi hơn với đời sống thường ngày.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ: Quyết định thí điểm triển khai Mobile-Money là hành động mở ra một lĩnh vực mới và vô cùng rộng lớn trong mảng thanh toán.
Để xin được cấp phép thí điểm Mobile-Money, các nhà mạng cần xây dựng hệ thống thông tin cụ thể về toàn bộ các phương án về kỹ thuật, phương án quản lý, các quy trình nghiệp vụ… căn cứ vào các quy định trong văn bản của Thủ tướng, đồng thời, cần phù hợp với vào những quy định, như trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông hiện có.
Ngoài ra, đây là hình thức thanh toán mới và việc triển khai liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong xã hội nên các đơn vị trực tiếp thực hiện việc triển khai dịch vụ Mobile-Money cần chờ đợi thông tư, văn bản hướng dẫn chính thức từ các cơ quan quản lý.
2 năm tới (2021-2022) sẽ là giai đoạn quan trọng để dịch vụ Mobile-Money đóng góp giá trị trong việc hỗ trợ thanh toán tiện lợi, thông minh, an toàn cho người mọi người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Đồng hành cùng chủ trương và định hướng chung của Chính phủ, Nhà nước, thời gian tới các nhà mạng viễn thông sẽ nỗ lực để đưa Mobile-Money tới gần với người dân trong thời gian nhanh nhất, với quy mô rộng nhất có thể, đảm bảo để ai cũng có thể tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận