Tìm giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội
Trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP. Hà Nội 2024, ngày 30/7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội”.
Nhiều ưu đãi hấp dẫn
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển vượt trội, Hà Nội đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Toàn cảnh tọa đàm.
Trên thưc tế, để thu hút đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, TP. Hà Nội triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thủ đô. Các nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân trong thời hạn 5 năm; miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của Thành phố...
Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô hoạt động trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung... Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, TP. Hà Nội ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. TP. Hà Nội cũng được cho phép thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thủ đô.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, phát biểu tại tọa đàm.
GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định, Hà Nội có nhiều lợi thế, là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam. Thủ đô hiện có trụ sở 2 Viện Hàn lâm khoa học, hàng chục trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ; số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng. GS. TSKH. Nguyễn Mại cũng đề xuất, để nắm bắt kịp thời cơ, Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư; chủ động thảo luận, tìm ra giải pháp phát triển cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, cải tiến hoạt động xúc tiến đầu tư, khắc phục các điểm nghẽn hiện nay, đặc biệt là vấn đề nguồn cung năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, an sinh xã hội.
Biến thách thức thành động lực
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang đứng trước thách thức cạnh tranh trên thị trường công nghệ bán dẫn toàn cầu.
PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, 3 năm qua, Mỹ thu hút 395 tỷ USD đầu tư từ nước ngoài vào sản xuất chất bán dẫn, đồng thời thông báo giải ngân 50 tỷ USD cho các công ty và tổ chức Mỹ để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip, củng cố chuỗi cung ứng. 8 doanh nghiệp tầm cỡ tại Nhật Bản đã chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip. Trung Quốc cũng đang vượt lên về hệ sinh thái cụm công nghiệp mới bao gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và chip bán dẫn. Trong khi đó, Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu với tư cách nhà sản xuất lắp ráp và kiểm định mới nổi. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới, top 3 châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ.
PGS. TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.
PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam hiện nay thiếu các khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn bao gồm công nghệ, chuỗi nhân lực, vốn, dữ liệu, năng lượng. “Cơ hội để chuyển sang công nghiệp bán dẫn là cơ hội lớn nhất nhưng cũng là thách thức lớn. Để thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, cần có các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ở lĩnh vực này” - PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo PGS. TS Trần Đình Thiên, để tạo động lực phát triển, Việt Nam cần thực hiện những cách tiếp cận mang tính đột phá. Điển hình như việc thực thi chương trình cải cách, chuyển đổi hệ giá trị phát triển, xác lập các thách thức đúng tầm. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp mới, tăng cường chương trình quốc gia đào tạo nhân lực ngành bán dẫn; nghiên cứu về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo như hydrogen. PGS. TS Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh: “Chính sách cần phải tạo ra sự khác biệt, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư lớn và đảm bảo Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu... Quan trọng hơn cả, Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước cần mở rộng các chương trình tăng cường nội lực, năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia”.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng