VECOM dự đoán thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD
Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
- 13 tỷ USD - Con số mà thị trường thương mại điện tử Việt Nam hướng tới trong năm 2020
- Nền tảng tín nhiệm - Chìa khóa mở cửa thị trường thương mại điện tử
Thương mại điện tử sẽ còn bùng nổi hơn nữa trong các năm tới
Cơ hội của thị thường nội địa
Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2020, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, thương mại nội địa và quốc tế gián đoạn. Tuy nhiên, theo VECOM, thương mại điện tử có thể phát triển lạc quan nhờ hai tín hiệu.
Trước hết, đại dịch là chất xúc tác làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Người Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.
Kế đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này gần như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch. Hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa năm còn lại. Họ cũng hiểu rõ cơ hội mới từ cộng đồng mua sắm đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến.
Xu hướng tại Việt Nam nằm trong diễn biến chung của khu vực. Visa cho biết, tại châu Á - Thái Bình Dương, 41% người tiêu dùng thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua.
"Thương mại khắp châu Á – Thái Bình Dương chuyển dịch mạnh sang kỹ thuật số trong giai đoạn dịch. Từ việc ngày càng có nhiều người đặt nhu yếu phẩm trực tuyến, đến người dùng tìm kiếm những phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc tại quầy," ông Chris Clark, Chủ tịch Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói.
Bán hàng xuyên biên giới rộng mở
"Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế", báo cáo công bố gần đây bởi WTO nhận định.
Hàng hóa bán qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng Amazon được vận chuyển lên một máy bay. Ảnh: AGS
Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand đánh giá, trong đại dịch, kênh trực tuyến là một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. "Tôi tin rằng việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn", vị này nói.
Tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ, theo báo cáo của McKinsey & Company. Các khảo sát được thực hiện gần đây tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc. Nhà bán hàng Việt Nam có cơ hội trong đó.
Quyết định số 431 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch và tăng tốc độ thông quan hàng hóa, cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, theo ông Bernard Tay sẽ "củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự phát triển vượt bậc trong tương lai của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới".
Trong lúc Amazon cho biết vẫn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn và đào tạo trực tuyến cho nhà bán hàng thì Alibaba.com đang thông báo tìm thêm đại lý ủy quyền tại Việt Nam.
Năng lực nắm bắt cơ hội
Tính đến năm 2019, theo khảo sát của VECOM, 42% doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng website, giảm nhẹ so với tỷ lệ 44% vào năm 2018. Tuy nhiên, 39% cho biết có bán hàng trên các mạng xã hội (tăng 3%); 17% có kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, tăng 5% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây.
Đánh giá hiệu quả kinh doanh qua các nền tảng trực tuyến. Nguồn và đồ họa: VECOM.
Trong đó, mạng xã hội được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất để bán hàng trực tuyến, với 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao. Tiếp đó là hiệu quả bán hàng thông qua website của doanh nghiệp (26%), ứng dụng di động (20%) và qua sàn thương mại điện tử (19%).
Tuy nhiên, VECOM chỉ ra rằng, vẫn còn trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin.
Ông Bernard Tay thì cho rằng, đã có nhiều nhà bán hàng vượt qua đại dịch thành công. "Nhưng để đạt được thành công bền vững hơn, họ cần có một tư duy toàn cầu, đồng thời chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm để nhận được sự tín nhiệm của khách hàng quốc tế", ông nói.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận