Chính phủ Mỹ gặp khó trong việc chứng minh Google độc quyền
Theo các chuyên gia luật chống độc quyền cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với khó khăn khi phải chứng minh cho các cáo buộc của mình đa ra khi các dịch vụ của Google cung cấp đến người dùng là miễn phí.
- "Vận đen" tiếp tục đeo bám Google khi bị điều tra về chống độc quyền
- Apple và Intel khởi kiện 'chống độc quyền' công ty của Softbank
- Mỹ: 4 hãng sản xuất xe ô tô bị điều tra chống độc quyền
Theo đó, "gã khổng lồ" công nghệ Google đang đối mặt với vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong nhiều thập kỷ do Bộ Tư pháp Mỹ thúc đẩy sau thời gian dài ngày điều tra.
Vụ kiện này sẽ có 11 bang tại nước Mỹ (gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Carolina Nam và Texas) tham gia. Đây được xem là thử thách đối với mô hình kinh doanh dựa trên các dịch vụ miễn phí và quảng cáo mà Google phát triển trong nhiều năm qua.
Việc chứng minh Google độc quyền của Chính phủ Mỹ không hề dễ dàng.
Google được xem là một trong những doanh nghiệp thành công nhất thế giới bằng việc tận dụng công cụ tìm kiếm của mình cho một mạng lưới các dịch vụ như bản đồ, thư điện tử, mua sắm và du lịch, qua đó giúp hãng thúc đẩy lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số nhờ vào dữ liệu của mình.
Chính phủ Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc chứng minh các cáo buộc chống lại hãng công nghệ này. Các chuyên gia pháp lý chỉ rõ trên thực tế nhà chức trách Mỹ khó có thể chứng minh hành vi của Google là bất hợp pháp theo tiêu chuẩn "đảm bảo lợi ích người tiêu dùng" như từng áp đặt trong các vụ kiện chống độc quyền khác bởi phần lớn các dịch vụ của Google là miễn phí.
Bà Avery Gardiner, cựu luật sư chuyên về chống độc quyền tại Mỹ, nhận định Chính phủ Mỹ dường như không chú trọng đến câu hỏi liệu Google có mang lợi ích cho người tiêu dùng bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí hay không.
Theo bà Avery Gardiner, vụ kiện này về cơ bản phớt lờ vấn đề giá cả mà chỉ tập trung vào chất lượng và sự đổi mới. Bà Gardiner nhấn mạnh các cơ quan chống độc quyền Mỹ trước kia đã miễn cưỡng tiến hành các vụ kiện mà không có bằng chứng về tác động của giá cả.
Theo dữ liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, Google kiểm soát 88% nhu cầu tìm kiếm trực tuyến tại Mỹ với thị phần trong thị trường di động là 94%. Bộ này nhận định Google đang củng cố vị thế độc quyền thông qua việc loại trừ sự tham gia của các bên khác. Với một thị trường có giá trị hơn 1.000 tỷ USD, Google đạt doanh thu 161 tỷ USD hồi năm ngoái, phần lớn trong số này bắt nguồn từ quảng cáo kỹ thuật số.
Trong khi đó, Giáo sư luật Christopher Sagers thuộc Đại học bang Cleveland, cho rằng dịch vụ miễn phí không phải là trở ngại bởi mỗi lượt tìm kiếm có thể được coi là một giao dịch mua bán mà trong đó người tiêu dùng chú ý đến các quảng cáo đổi lấy kết quả tìm kiếm. Ông Sagers nhận định điểm then chốt là việc quảng cáo trên Internet không phải là một sản phẩm mà Google cung cấp miễn phí.
Phân tích ở khía cạnh khác, Giáo sư luật Maurice Stucke thuộc Đại học Tennessee lập luận vụ kiện dường như không xoáy vào giá cả, mà là thiệt hại đối với bảo vệ quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu của người dùng.
Theo ông, điều này dẫn tới cái nhìn rộng hơn về chống độc quyền thông qua việc xác minh những tổn hại về tính cạnh tranh đối với thị trường thương mại điện tử.
Nhắc lại vụ kiện chống độc quyền đối với Microsoft cách đây 20 năm, ông Stucke cho biết dù Chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc yêu cầu tập đoàn này tái cơ cấu, song đã mang lại một môi trường công nghệ cởi mở hơn.
Theo ông Asheesh Agarwal, chuyên gia thuộc công ty TechFreedom, sẽ sai lầm nếu áp vụ Microsoft như tiền lệ cho vụ kiện hãng Google. Ông lý giải khác với những năm 1990 khi mà người tiêu dùng phải đến cửa hàng để lựa chọn một giải pháp thay thế cho ứng dụng Microsoft Office, giờ đây họ có thể dễ dàng sử dụng nhiều trang mạng và ứng dựng để tìm kiếm, đặc biệt là tìm những mặt hàng hay dịch vụ đặc biệt.
Nhà phân tích công nghệ độc lập Richard Windsor cho rằng điều quan trọng là các biện pháp để củng cố cạnh tranh công bằng hơn. Ông chỉ rõ thực tế cho thấy các dịch vụ kỹ thuật số của Google được xem là tốt nhất trong nhiều danh mục khác nhau, song "đại gia" công nghệ này đã buộc các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải đặt các dịch vụ của hãng ở vị trí trung tâm và mặc định chúng trên thiết bị của họ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận